Giáo dục có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách con người, với ba trụ cột là giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội. Trong đó giáo dục gia đình được coi là chủ đạo, bởi gia đình là tổ ấm, nơi tràn đầy tình yêu thương, vừa là nơi đáp ứng nhu cầu riêng tư, thực hiện chức năng phát triển nòi giống, vừa là trường học đầu tiên hình thành, phát triển nhân cách con người.
Trong bối cảnh đất nước ngày càng đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, gia đình Việt Nam truyền thống nói chung và gia đình đồng bào các dân tộc Lai Châu nói riêng đang có những biến đổi mạnh mẽ trong cấu trúc, hình thái, quy mô và mối quan hệ giữa các thành viên, thế hệ. Chịu tác động từ xu thế toàn cầu hóa, những giá trị, chuẩn mực truyền thống cũng đã và đang thay đổi; trong đó, ở không ít gia đình, mối quan tâm, chăm sóc của một bộ phận cha mẹ dành cho con trẻ suy giảm, thậm chí có không ít gia đình còn “khoán trắng” cho xã hội và nhà trường việc giáo dục con cái. Bên cạnh đó, một số cha mẹ do mải làm ăn, chưa dành thời gian cho con; một số khác thiếu kỹ năng và phương pháp giáo dục…
Nguyên nhân của thực trạng này là một bộ phận gia đình đã không còn là “tổ ấm” để trao truyền yêu thương, chăm lo, dạy dỗ, giáo dục và nuôi dưỡng con trẻ. Ở đó, cha mẹ thiếu gương mẫu, thường xuyên mâu thuẫn, xung đột, thậm trí bạo lực gia đình. Cùng với đó là vấn đề ly hôn, nhất là các gia đình cha mẹ ly hôn khi con còn nhỏ tuổi, thì con trẻ thường thấy: hoặc là dễ bị rơi vào khủng hoảng tâm sinh lý, hoặc thu mình, rồi dẫn đến có những hành vi lệch chuẩn, bạo lực trong tương lai.
“Trước những bất cập, hạn chế nêu trên và thực hiện Chỉ thị số 49 CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá” đất nước, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam… Lai Châu đã ban hành các văn bản mang tầm chiến lược, dài hạn, nhằm phát huy vai trò chủ đạo của giáo dục gia đình, đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương và từng vùng đồng bào dân tộc như: Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lai Châu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mỗi quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững … Bên cạnh đó là thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức các hoạt động chào mừng ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, ngày Gia đình Việt Nam 28/6 như: tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hội thi nấu ăn; tổ chức Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ cha mẹ trong chăm sóc giáo dục cho trẻ em và trẻ em gái; tọa đàm giao lưu văn hóa, văn nghệ kết hợp với tuyên truyền miệng…”. Bà Tẩn Thị Quế, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết.
Hội thi tìm hiểu pháp luật về PCBLGĐ từ tỉnh đến cơ sở luôn thu hút đông đảo người dân tham gia
Ảnh: Nhật Minh
Được dự buổi sinh hoạt Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững bản Sì Thâu Chải với 100% là người dân tộc Si La xã Kan Hồ (Mường Tè) với chuyên đề “Kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc” mà Chủ nhiệm Câu lạc bộ, Trưởng bản, Hù Cố Dứ đưa ra, rồi sau đó các thành viên thảo luận, chúng tôi mới cảm nhận được sự sôi nổi của từng thành viên. Tuy mỗi người có một ý kiến khác nhau, nhưng tựu chung lại tất cả các thành viên đều đồng nhất quan điểm: Để gia đình thực sự là tổ ấm thì các thành viên phải thường xuyên, quan tâm chăm sóc lẫn nhau, không chỉ về vật chất mà cả tâm, sinh lý, tình cảm; ông bà, cha mẹ phải thường xuyên quan tâm giáo dục con cái từ lời ăn tiếng nói, giao tiếp ứng xử; phải kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình.
Anh Lý Công Hòa, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mường Tè chia sẻ: “Để phát huy tối đa vai trò của giáo dục gia đình, ngoài việc tăng cường công tác giáo dục đời sống gia đình; cung cấp tới từng gia đình các kiến thức, kỹ năng như: kỹ năng làm cha làm mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình thì việc vận động các gia đình tích cực tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước; giữ gìn và phát huy văn hoá gia đình và truyền thống tốt đẹp của dòng họ; xây dựng các bản, khu phố, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau; nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng”.
Đồng quan điểm với anh Hòa nhưng đi vào thực tiễn đời sống gia đình, chị Khuất Thị Tâm ở Viện kiểm sát tỉnh chia sẻ: “Giáo dục gia đình có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành đạo đức, nhân cách của trẻ, chính vì vậy mặc dù công việc rất bận nhưng chúng tôi luôn dành thời gian chia sẻ, chăm sóc con cái; vào những ngày nghỉ có thể đưa con đi chơi, hướng dẫn con mua sắm những món đồ của riêng con; vào bữa ăn thì việc đầu tiên là so đũa cho các thành viên, phép cơm rồi sau đó mới được ăn; khi gặp người lớn thì việc đầu tiên là phải chào hỏi lễ phép… đó chính là những kỹ năng sống rất cần thiết cho trẻ khi nhỏ và cả sau này”.
Gia đình chị Khuất Thị Tâm luôn dành thời gian để chăm sóc, giáo dục con cái
Ảnh: Nhật Minh
Với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thông qua nhiều cách làm cụ thể khác nhau như: Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức các hội nghị, tọa đàm nhân ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, Gia đình Việt Nam 28/6; Báo Lai Châu, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh xây dựng các tin, bài, phóng sự tuyên truyền về giáo dục đạo đức lối sống, nêu gương điển hình tiên tiến, những cách làm hay trong xây dựng gia đình hạnh phúc. Bên cạnh đó đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền miệng, tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, tờ gấp; các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao. Đặc biệt là 370 Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 400 Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững và 400 Nhóm phòng, chống bạo lực Gia đình được thành lập tại các bản, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh, với 5.775 thành viên tham gia chính là những hạt nhân quan trọng trong việc phát huy vai trò chủ đạo của giáo dục gia đình, từ đó góp phần đẩy lùi bạo lực, hủ tục lạc hậu và xây dựng gia đình đồng bào các dân tộc Lai Châu thực sự là tổ ấm hạnh phúc bình yên.
Đồng nhất về phương pháp triển khai, hiệu quả sát thực trong từng cách làm, đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương và từng vùng đồng bào dân tộc, nên vai trò chủ đạo của giáo dục gia đình đã phát huy tối đa hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự hình thành và phát triển nhân cách, văn hóa con người Lai Châu thời kỳ hội nhập phát triển./.