Người yêu nghề chiếu phim

Người yêu nghề chiếu phim

          Sinh ra ở quê lúa Thái Bình và gia đình đang ở Điện Biên, nhưng lại quyết định đến Lai Châu gắn bó cuộc đời mình với công việc chiếu phim lưu động, cuộc sống của anh Lưu Thiện Tuấn trải qua không ít gian nan, thử thách. Tuy nhiên, anh luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, lấy công việc làm niềm vui trong cuộc sống, anh đã trở thành tấm gương sáng về sự tận tụy với nghề nghiệp, được cán bộ, nhân dân các xã vùng cao huyện Phong Thổ yêu mến, anh em đồng nghiệp trong cơ quan quý trọng.

         Gian nan trên từng chuyến đi

          Hơn 10 năm phục vụ sự nghiệp chiếu phim lưu động của Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Lai Châu, hiện anh Lưu Thiện Tuấn đang giữ vai trò là đội trưởng đội chiếu phim số 1, phụ trách các xã biên giới trên địa bàn huyện Phong Thổ. Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước bằng phim ảnh, anh Tuấn không chỉ đơn giản coi công việc là phương tiện mưu sinh, mà hơn thế, anh luôn ấp ủ trong mình mong ước lớn lao là làm thế nào để chiếu phim có chất lượng ngày càng cao, thu hút được nhiều khán giả. Anh cùng anh em trong đội chấp nhận sự vất vả, thiệt thòi khi nhiều ngày, nhiều tháng đằng đẵng xa gia đình, lặn lội đến những bản làng xa xôi, cách trở, khó khăn, heo hút nhất, để hàng đêm thắp lên ánh sáng diệu kỳ của nghệ thuật điện ảnh, góp phần xua đi bóng tối của nghèo nàn, lạc hậu, hủ tục. Niềm hạnh phúc lớn lao của anh cũng như của những người làm công tác điện ảnh Lai Châu là sự mong chờ của bà con các bản, là niềm tin bừng lên trên khuôn mặt, ánh mắt người già, trẻ thơ trong mỗi buổi chiếu phim. Anh Tuấn tâm sự: “Công việc của chúng tôi là mỗi ngày vận chuyển máy móc, thiết bị đến các bản và tổ chức thực hiện chương trình chiếu phim. Anh em đi có khi mấy tháng liền không về nhà, những lúc đó làng bản giống như gia đình thứ hai của đội vậy”.

Một chuyến đi vất vả của anh Tuấn và đồng nghiệp đến bản Nà Đoong, xã Bản Lang,

huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu

         Chiếu bóng lưu động là nay đây mai đó, anh Tuấn cho rằng công việc vất vả những cũng đầy những trải nghiệm, có những chuyến đi là kỷ niệm anh không thể nào quên. Trong một chuyến đi dài ngày chiếu phim ở huyện Sìn Hồ năm 2001, đội của anh Tuấn có 4 người xuất phát từ Mường Lay, phải đi xuồng trong nhiều giờ liền mới đến nơi. Mùa nước cạn nên ít xuồng chở khách, không còn sự lựa chọn nào khác, anh em phải đưa hết cả người và máy móc lên một chiếc xuồng nhỏ còn lại cho kịp với lịch trình công tác. Dọc đường ai nấy đều nơm nớp lo sợ, đến đoạn vượt thác, các anh còn phải bỏ xuồng, vác máy  đi bộ. Đường xá chưa hoàn thiện, máy móc cồng kềnh, lại chưa có phương tiện đi lại nên các anh hạn chế tối thiểu đồ đạc cá nhân, mỗi người hai bộ quần áo cùng bàn chải, khăn mặt đi bộ qua khắp các con đèo, con suối. “Nhiều khi chúng tôi đùa nhau, máy chiếu, máy nổ còn thân thiết hơn cả vợ nữa”- anh Tuấn nói.

          Tâm huyết, dành hết cho công việc

          Ngày nay, công việc chiếu phim đã đỡ vất vả hơn nhờ máy móc, thiết bị đã được cải tiến nhỏ gọn, đường xá tốt hơn, nhưng vẫn còn đó những trăn trở quặn lòng. Thu nhập của người làm việc như các anh còn quá thấp, có nhân viên trong đội lương một triệu hai trăm nghìn đồng/một tháng, chi phí xe máy, xăng dầu đi lại, chi tiêu tối thiểu cho cá nhân trong những tháng ngày dài lưu động từ bản này sang bản khác, từ xã này sang xã khác còn không đủ, chưa dám nghĩ đến việc lo cho vợ con. “Nhiều khi nghĩ cũng buồn vì cơ chế, chính sách giành cho sự nghiệp điện ảnh còn chưa đúng mức, anh em chúng tôi làm việc vất vả cũng chỉ mong tương lai không xa những công sức mình bỏ ra rồi sẽ được nhìn nhận xứng đáng”- anh Tuấn tâm sự.

     Một buổi chiếu phim của đội chiếu phim số 1 tại bản Thèn Thầu, xã Bản Lang,

huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu

          Mặc dù vậy, anh Tuấn tự cho mình có duyên nợ với công việc này. Đối với anh, niềm vui giản dị của những cụ già và nụ cười ngây thơ của những đứa trẻ vùng cao mỗi khi phim về bản có sức mạnh níu giữ lớn lao, không cho phép anh nản lòng. Ông Vũ Đình Điền, nhân viên bộ phận Nghiệp vụ Điện ảnh, người đã từng có thời gian dài làm công việc chiếu phim lưu động hiểu rất rõ: “Anh Tuấn là người nhanh nhẹn, chịu khó và tâm huyết, luôn coi công việc là trên hết, luôn nghĩ ra những giải pháp hiệu quả để giải quyết khó khăn. Tuấn biết cách động viên, biết quan tâm tới đồng nghiệp khi khó khăn, điều này là rất cần thiết khi làm việc theo đội, theo nhóm”.

          Với mong muốn góp phần nâng cao hiệu quả công tác chiếu phim lưu động, năm 2014, anh Tuấn cùng với đồng nghiệp thực hiện sáng kiến “Cải tiến phương pháp tổ chức chiếu phim lưu động”, nhằm đưa chiếu phim vào môi trường học đường. Anh chia sẻ: “Tôi nghĩ tuyên truyền về văn hóa là cần thiết cho mọi đối tượng, hơn nữa, trong môi trường học đường cũng còn tồn tại những vấn đề bất cập riêng như tệ nạn ma túy, bạo lực học đường, thói vô cảm... nên phim ảnh với những nội dung tuyên truyền thiết thực sẽ giúp các cháu bổ sung nhận thức về văn hóa ứng xử và đạo đức lối sống”. 

Một buổi chiếu phim cho các em học sinh trường Trung học cơ sở xã Vàng Ma Chải,

huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu

          Đề tài của anh với nhiều lập luận thuyết phục và tính thực tiễn cao đã được Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào thực hiện. Đóng góp này của anh và các đồng nghiệp được biểu dương và anh được trao tặng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở năm 2014. Công việc ngày càng bận rộn nhưng ai cũng phấn khởi vui mừng vì vai trò tuyên truyền của công tác chiếu phim lưu động ngày càng được khẳng định và phát huy. Anh Lò Văn Phượng, giáo viên trường Trung học cơ sở xã Dào San, huyện Phong Thổ cho biết: “Hoạt động chiếu phim tại trường rất được nhà trường và các em học sinh ủng hộ, riêng tôi thấy đây là một hình thức tuyên truyền văn hóa, đạo đức lối sống sáng tạo và hiệu quả mà không bị lối mòn như cách giáo dục thầy giảng trò nghe trong lớp học. Đây giống như những buổi hoạt động ngoại khóa đầy hấp dẫn với các em vậy”.

            Để công tác chiếu phim lưu động tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, cần nhiều hơn nữa sự quan tâm giúp đỡ, đầu tư của các cấp có thẩm quyền, nhưng cũng cần lắm những con người nhiệt huyết như anh Lưu Thiện Tuấn.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thăm dò ý kiến
làm sao để có một bức ảnh đẹp
Thống kê truy cập
Hôm nay : 213
Hôm qua : 367