Để góp phần nâng cao trí thức, xây dựng nông thôn mới thì công tác luân chuyển sách báo trên địa bàn tỉnh Lai Châu thời gian qua đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả. Từ đó mỗi cuốn sách phát huy đúng vai trò, ý nghĩa, giúp người đọc có thêm kiến thức mới, mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống.
Sinh thời Lê-nin từng nói: “Không có sách thì không có tri thức; không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội”. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh thì cho rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Để đạt được tầm hiểu biết uyên thâm, Hồ Chủ tịch đã không ngừng tự học tập và đọc các loại sách, báo. Năm 1961, khi nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm, Hồ Chủ tịch tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học... Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Với Hồ Chủ tịch, nguyên lý và phương thức học được tóm gọn trong mấy câu: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”.
Ngày nay trong thời đại công nghệ 4.0 các phương tiện truyền tải thông tin ngày càng phát triển, hiện đại, tiện dụng đã khiến cho thói quen đọc sách trong xã hội có xu hướng giảm; tình trạng thờ ơ với sách, báo của một bộ phận người dân và giới trẻ đang diễn ra khá phổ biến; sách, báo để lãng phí ở một số cơ quan, đơn vị; số người dành thời gian đến phòng đọc ngày càng ít đi; nhiều gia đình có giá sách đồ sộ nhưng lại thiếu những cuốn sách hay. Điều đáng lo ngại là văn hóa đọc mai một trong một bộ phận học sinh, sinh viên.
“Đứng trước những khó khăn bất cập ấy, những năm qua ngành Văn hóa, Thể thao và du lịch đã tích cực, chủ động tham mưu, triển khai thực hiện các đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”; Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng”… Đặc biệt là tích cực, chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ động Biên phòng triển khai thực hiện hiệu quả công tác luân chuyển sách báo đến các Đồn biên phòng, các trường học, Điểm Bưu điện Văn hóa xã; phối hợp tổ chức các Cuộc thi đại sứ văn hóa đọc, Vẽ tranh theo sách...”. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trần Mạnh Hùng cho biết.
Đ/c Trần Mạnh Hùng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trao Giải nhất cho các em học sinh đạt giải tại Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc 2020
Đặc biệt để công tác luôn chuyển sách, báo góp phần nâng cao tri thức và giúp các xã sớm hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2015-2020 Thư viện tỉnh đã chủ trọng luân chuyển các loại sách, báo thuộc các nhóm tiêu chí: Văn hóa Xã hội Môi trường, hay tiêu chí Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, tiêu chí Quốc phòng và an ninh… với tổng số 40.000 bản sách, báo về 07 thư viện huyện, thành phố; 17 tủ sách thuộc Biên Phòng tỉnh; 20 thư viện trường học; 03 thư viện, tủ sách thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, 02 thư viện thuộc Công an tỉnh; 15 tủ sách Điểm Bưu điện văn hoá xã.
Hỗ trợ và phối hợp tặng 3.000 bản sách cho 15 UBND xã thành lập tủ sách. Thực hiện 07 cuộc triển lãm sách, báo lưu động về các xã, huyện với mục đích tuyên truyền chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và phục vụ nhu cầu đọc của nhân dân nhân tại sự kiện quan trọng của xã, huyện như: ngày Hội văn hóa các Dân tộc; Tết độc lập của dân tộc Mông... nhằm phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống xã hội.
Cùng với đó Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” từ Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho 17 điểm thuộc hệ thống thư viện công cộng tỉnh Lai Châu với tổng số 150 bộ máy tính, 20 máy in, máy chiếu, máy scan; 12 điểm Bưu điện Văn hóa xã tiếp nhận 60 bộ máy tính. Việc tiếp nhận trang thiết bị thuộc dự án đã góp phần bổ sung trang thiết bị làm việc của công chức, viên chức cơ sở; phương tiện truy cập, tra cứu thông tin và làm quen với máy tính của Nhân dân. Từ đó thu hút được hàng chục nghìn lượt người tham gia đọc, nghiên cứu tài liệu, sách báo, truy cập hệ thống máy tính kết nối internet phục vụ nhu cầu giải trí, tìm kiếm thông tin bổ sung kiến thức phục vụ sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi; giáo dục giới tính; truyền thống văn hóa…
Các em học sinh đến đọc sách, khai thác tài liệu tại Thư viện tỉnh
“Bên cạnh việc triển khai hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới thì Điểm Bưu điện văn hóa xã, tủ sách pháp luật hay các nhà văn hóa bản đã phát huy tối đa vai trò. Đặc biệt là luân chuyển sách báo, tạp chí đến các nhà văn hóa bản. Từ đó nâng cao văn hóa đọc cho Nhân dân, giúp nhân dân có thêm nhiều kiến thức mới trong chăn nuôi phát triển kinh tế, nuôi dậy con, giữ gìn bản sắc văn hóa... Chính vì vậy năm 2016 Nậm Tăm đã vinh dự được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn được bảo tồn phát huy”. Bí thư Đảng ủy xã Nậm Tăm Cà Văn Nguyên chia sẻ
Có thể nói hoạt động luân chuyển sách báo về cơ sở đã có tác động rất lớn đến việc nâng cao trình độ tiếp cận thông tin cho người dân, giúp cho người dân biết cách sử dụng máy tính, khai thác Internet tìm kiếm thông tin hữu ích phục vụ sản xuất nông nghiệp, kinh tế, lao động, việc làm, sức khoẻ góp phần vào việc nâng cao trình độ dân trí nhân dân tại các xã vùng sâu, vùng khó khăn.