LỄ CÚNG BẢN CỦA NGƯỜI SI LA

LỄ CÚNG BẢN CỦA NGƯỜI SI LA

Theo số liệu Tổng kiêm kê dân số và nhà ở (2009), dân tộc Si La ở Việt Nam chỉ có 709 nhân khẩu, cư trú chủ yếu ở tỉnh Lai Châu. Đồng bào hiện vẫn bảo lưu được những sắc thái văn hóa cổ truyền, trong đó có lễ cúng bản (Plạ khớ thú) được tổ chức ở quy mô cộng đồng (bản) vào một trong những ngày con hổ của tháng ba (âm lịch) hàng năm để cầu cho người yên vật thịnh, mùa màng bội thu.

Để chuẩn bị cho lễ cúng bản, đại diện các hộ gia đình phải họp để chọn ra ngày cúng bản, chọn chủ cổng để chủ trì nghi lễ cúng, bàn về hình thức góp lễ gồm: 1 con chó trắng (hoặc vàng), 1 con gà trống trắng trưởng thành, 5 hào bạc trắng, 1 vỏ ốc biển (những loại tiền tệ trước đây).

Ngày chính lễ, vào giờ Thìn (7 – 9 giờ sáng), những người đàn ông đại diện của các hộ gia đình mang theo dao tập trung ở khu vực dựng cổng chính (đầu con đường phía đông của bản) rồi vào rừng thu gom nguyên vật liệu để làm cổng chính gồm 2 thân cây gạo làm cột cổng; 2 thân gỗ làm xà và thanh ngăn dưới chân cổng; 2 thân cây trẩu để đẽo các đạo cụ treo lên cổng; 20 - 30 cây nứa để đan phên mắt cáo và làm dàn cúng; 15 - 20 cây hạt dé để tước dây buộc các đạo cụ, 1 – 2 cây giang để làm nan đan phên mắt cáo và vòng lạt (tượng trưng cho vòng bạc); 1 bó cỏ gianh để bện dây trừ tà.

Trong lễ cúng bản, người Si La bao giờ cũng dựng 4 cổng ở 4 góc của bản nhưng cổng chính (ở phía đông) mới có nghi l��� cúng. Thầy mo bản Sì Thau Chải (xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) - ông Lý Chà Ché cho biết: 'Bản người Si La trước kia cư trú quây quần theo hình vuông. Bốn góc bản quay 4 hướng: đông – tây – nam – bắc. Ở mỗi góc bản đều có đường ra vào. Đó cũng là nơi để dựng 4 cổng trong lễ cúng bản. Cổng phía Đông là cổng chính được làm vững chắc và lập đàn cầu cúng, 3 cổng còn lại là cổng phụ, làm đơn giản và không cúng. Người Si La quan niệm phía Đông là hướng mặt trời lên - biểu tượng cho sự khởi đầu sáng sủa. Người Si La dựng cổng chính và cúng bản ở hướng Đông là để cầu mong cho vạn sự tốt lành'.

Để làm cổng, người ta phải đục lỗ, đẽo cột và gia công các đạo cụ gồm 80 cái dao gỗ; 100 cái kiếm gỗ; 100 cái súng gỗ; 60 cái phên mắt cáo; 1 dây trừ tà bện bằng cỏ gianh, 1 bó dây hạt dé (loại cây thuộc họ sa nhân). Mỗi gia đình còn tranh thủ đan riêng 1 tấm phên mắt cáo để nhuộm máu chó hiến sinh đem về treo trước cửa nhà ngăn ngừa ma xấu.

 

Nghi lễ cúng cổng bản của người Si La

Cổng được dựng lên, người ta quấn dây trừ tà bện bằng cỏ gianh lên xà cổng , buộc dây hạt dé ở hai bên cột cổng và gắn vào đó các đạo cụ: dao, súng, kiếm - mỗi bên 1 cái. 5 tấm phên mắt cáo được cắm lên cổng: 1 cái ở trên nóc, 4 cái chia đều 2 bên. Số đạo cụ còn lại và phên mắt cáo của các gia đình được xếp vào một chỗ. Thầy mo rưới máu chó lên các đạo cụ và phên đan mắt cáo của các gia đình rồi lấy ra 3 phần đạo cụ từ chỗ đạo cụ làm dư (mỗi phần giống số đạo cụ ở cổng chính) chia cho 3 nhóm, mỗi nhóm 2 người đàn ông (đã được phân công trước) để đi làm 3 cổng phụ ở các hướng Tây, Nam, Bắc. Các gia đình lấy phên mắt cáo của nhà mình đem về treo trước cửa. Với số đạo cụ còn lại, người ta chia thành 2 phần - mỗi phần đều được bó lại treo ở hai bên cột cổng làm kho - sau này nếu cái nào đang treo bỗng nhiên bị hỏng thì lấy từ đó ra mà thay.

Một đàn cúng bằng nứa được bắc ở chân cột cổng bên trái. Đàn cúng cao 80 cm, tiết diện 50 x 50 cm. Thầy mo bày đồ lễ gồm chó, gà, 2 hào bạc trắng, 1 vỏ ốc biển sao cho cả chó và gà đều quay đầu ra ngoài, bạc trắng và vỏ ốc biển được đặt lên trên mình chó. Chủ cổng và thầy mo đứng trước đàn cúng. Chủ cổng đứng bên phải, thầy mo đứng bên trái. Thầy mo tay cầm bát gạo lầm rầm đọc lời khấn “Các vị thần linh núi, rừng, sông, suối… về hưởng lễ vật, phù hộ cho bản bước vào vụ mới khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, lợn gà phát triển, vạn vật sinh sôi; xin cho bản được yên lành, cho hổ không về, diều hâu đừng đến, cho cái tốt vào, đuổi cái xấu đi”. Khấn đến đoạn cuối, thầy mo cắt 1 bàn chân trước và mõm của con chó hiến sinh chôn trước cổng.

Trong lễ cúng bản, người Si La chỉ cúng đổ sống, không cúng đồ chín. Vì vậy, sau lễ cúng, người ta hạ lễ đem đi nấu nướng rồi rải lá chuối, bày đồ lễ đã được nấu chín (lộc của thần linh) để đại diện các gia đình cùng chủ cổng, thầy mo cùng thụ hưởng. Bữa tiệc cộng đồng kéo dài đến khi mặt trời xế bóng, chủ cổng và thầy mo nhổ cọc bếp nấu đồ lễ báo hiệu tan tiệc, mọi người cùng nhau ra về.

Người Si La xưa cấm bản 3 ngày 3 đêm (nay chỉ kiêng 1 ngày 1 đêm). Trong thời gian đó, người ta không cho ai ra vào, không chửi bới, không nói to, không kêu la khóc lóc, không đàn sáo hát hò, không nhảy múa, không khâu vá, không tắm gội, không quan hệ trai gái. Tất cả dân bản dừng mọi công việc, chỉ uống rượu và nói chuyện vui.

 

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thăm dò ý kiến
làm sao để có một bức ảnh đẹp
Thống kê truy cập
Hôm nay : 129
Hôm qua : 225