Người Cống ở Lai Châu có 1.134 nhân khẩu (Số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009), cư trú chủ yếu ở huyện Mường Tè, tập trung ở các bản Pô Lếch, Nậm Luồng, Nậm Pục, Nậm Khao (xã Nậm Khao), Tác Ngá (xã Mường Mô). Người Cống hiện còn bảo lưu được nhiều bản sắc tộc người, trong đó có hôn nhân và nghi lễ cưới
Những nguyên tắc hôn nhân
Người Cống thực hiện hôn nhân tự nguyện, một vợ một chồng. Luật tục nghiêm cấm việc ly dị hay đa thê. Trai gái cùng họ phải cách 7 đời mới được lấy nhau. Hôn nhân giữa con cô con cậu, con dì con dà được chấp nhận nhưng phải tuân theo nguyên tắc: con trai của em gái được lấy con gái của chị gái; nhưng con trai của chị gái không được lấy con gái của em gái. Cũng vậy, con trai của em gái được lấy con gái của anh em trai nhưng con trai của anh em trai không được lấy con gái của chị em gái. Tục hôn nhân nối dây không tồn tại trong cộng đồng người Cống[1]. Trước kia, hôn nhân của người Cống thường diễn ra trong nội bộ tộc người, nhưng đã xuất hiện ngày càng nhiều đám kết hôn với cộng đồng các dân tộc khác, đặc biệt là Thái, Hà Nhì, Si La.
Nghi lễ cưới
Nghi lễ cưới của người Cống trải qua 5 bước: ở rể, ăn hỏi, cưới, thăm hỏi và lại mặt. Trong các nghi lễ, số người đi trong đoàn (nhà trai sang nhà gái và ngược lại) phải là số chẵn, giờ khởi hành phải là giờ hơn[2]. Từ nghi lễ mở màn cho tới nghi lễ kết thúc không bao giờ thiếu vai trò của bà mai (me lam), ông mối (po xứ)[3]. Các nghi lễ được tiến hành vào tháng chạp, tránh ngày mất của tổ tiên, ngày trong bản có tang và các ngày con khỉ, ngày mùng một, mùng hai, ba mươi của tháng.
Lễ ở rể (mì tạp xái) diễn ra sau khi hai gia đình đồng ý tổ chức hôn nhân cho đôi trẻ và chàng trai sẽ phải đi ở rể (khơi lặp) một thời gian[4]. Bố mẹ và anh em họ hàng nhà trai đưa chàng trai đến nhà gái. Mẹ chàng trai mang theo túi lễ vật gồm: 1 cuộn dây gai, 1 gói muối[5], ít thuốc lào (hoặc thuốc lá). Chị em gái của chàng trai mang tư trang và công cụ lao động của chàng trai. Khi đến nhà gái có diễn ra màn hát đối đáp chào hỏi giữa hai nhà trai gái. Từ đây, cô gái phải búi tóc ngược[6]. Trong thời gian ở rể, đôi trai gái có thể sinh con đẻ cái, nhưng phải hết thời hạn ở rể mới được làm lễ cưới và chàng rể mới được đưa vợ con về.
Lễ ăn hỏi (ăng mì thám ế) diễn ra sau khi chàng trai chuẩn bị hết thời gian ở rể. Thực chất lễ này là nhằm để nhà trai thỏa thuận với nhà gái chọn một ngày tốt với cả hai bên gia đình để tổ chức đám cưới và định mức thách cưới[7]. Thành phần đoàn nhà trai sang nhà gái trong lễ ăn hỏi cũng giống trong lễ ở rể nhưng lễ vật nhà trai mang sang nhà gái thì gồm mâm gỗ, ghế mây, con gà, chai rượu, cơm xôi… để nhà gái cúng báo tổ tiên.
Lễ cưới (ăng mì tồ ế) diễn ra sau lễ ăn hỏi vài hôm. Nhà trai mang lễ sang nhà gái đón dâu. Dẫn đầu là cặp vợ chồng chị hoặc em gái của chú rể: Người chồng bê mâm lễ gồm nửa con lợn (phía đùi trước), 9 đôi cá (loại cá có vẩy), 1 con gà, rượu trắng, bạc trắng. Người vợ đeo 1 chum rượu cần (có 2 cần hút). Đến nhà gái, sau khi giao nhận lễ vật, nhà gái đi mổ lợn rồi bói gan lợn xem vận mệnh của đôi vợ chồng. Những lễ vật khác được đưa vào gian thờ. Nhà gái cúng tổ tiên rồi “lại quả” cho nhà trai một đùi lợn.
Trong lễ cưới, chú rể bị nhà gái “thử tài” bằng việc giết gà: từ việc đun nước, cắt tiết, vặt lông, mổ gà và luộc gà, chặt gà đều phải làm một mình, không có người hỗ trợ. Gà phải được cắt tiết, vặt lông và mổ trong gầm một cái ghế mây. Đầu và chân gà dành để các lão niên hai nhà trai gái xem bói, còn lại chặt nhỏ cho mỗi mâm một ít. Trong lúc ấy, hai nhà trai gái tổ chức hát đối đáp (nế lế hê). Hai chị em gái của chú rể tay bưng khay rượu và thịt mỡ luộc đi chúc rượu từng người. Khách nhận rượu rồi mừng một ít tiền vào khay.
Đến giờ đón dâu, cô dâu chú rể lạy hai họ và chúc bố mẹ hai bên mỗi người một chén rượu. Họ nhà trai mang tư trang của cô dâu đi trước. Nhà gái giằng kéo cô dâu lại để tỏ lòng lưu luyến. Nhà trai xô đẩy đưa cô dâu về. Nhà gái té nước ngâm tro bếp vào những người đang giằng co cô dâu. Nước té càng nhiều, càng nhiều người ướt, đám cưới càng vui.
Đoàn nhà trai phải đón dâu về đến nhà khi còn ánh sáng mặt trời. Nhà gái cử vài cặp trai gái đi tiễn dâu đến tận nhà trai. Cô dâu chú rể cầm tay nhau đi trước. Tiếp theo là bố mẹ chú rể rồi đến 4 phù dâu[8]. Những người khác đi cuối.
Đến nhà trai, cô dâu chú rể quỳ trước ban thờ, trước mặt là một chum rượu cần có cắm sẵn 2 cần rượu: một cần buộc 1 củ gừng, 1 cần buộc 1 gói muối. Bố mẹ chú rể ngồi bên cạnh đôi vợ chồng. Hai vợ chồng lạy tổ tiên 3 lạy rồi vắt chéo cần để cùng uống rượu như lời thề sẽ trọn đời chung sống, chia ngọt sẻ bùi… trước sự chứng giám của tổ tiên, chứng kiến của họ hàng. Sau đó, mọi người cùng uống rượu mừng cưới tại nhà trai.
Lễ thăm hỏi (dọa xim tạ hu ế) diễn ra ngay sau hôm đám cưới. Bố mẹ cô gái cùng anh em họ hàng nhà gái sang thăm nhà trai. Nhà trai mổ lợn đón tiếp rồi hai nhà trai gái cùng uống rượu liên hoan.
Lễ lại mặt (gà mừ xím tạ hu ế) diễn ra ngay ngày kế tiếp. Cô dâu, chú rể cùng anh em, họ hàng nhà trai mang gà và rượu sang nhà gái. Hai nhà trai gái lại tổ chức ăn uống vui vẻ./.
[1]. Theo phong tục của người Cống, khi chồng chết, vợ không phải lấy em trai chồng; trường hợp vợ chết, chồng không được lấy chị em gái của vợ
[2]. Các nghi thức cưới của người Cống bao giờ cũng được khởi hành/khởi sự vào giờ hơn (2 giờ hơn, 3 giờ hơn…), không làm vào giờ đúng, giờ kém vì người Cống quan niệm giờ hơn là giờ phát triển, sinh sôi.
[3]. Ông mối và bà mai được chọn từ những người khỏe mạnh, hiền lành, vợ chồng song toàn, con đàn cháu đống, được mọi người quý mền. Đó còn thường là những người hát hay, hát giỏi để thay mặt nhà trai ứng khẩu hát đối đáp với nhà gái.
[4]. Thời gian ở rể của người Cống trước đây thường từ 8 – 12 năm (nay còn 2 – 3 năm).
[5]. Cuộn dây gai là biểu tượng cho sự thắt chặt đôi nam nữ và đôi bên gia đình, gói muối là biểu tượng cho sự mặn mà.
[6]. Việc búi tóc của người phụ nữ là tín hiệu văn hóa của người Cống nhằm để phân biệt phụ nữ có chồng và phụ nữ chưa có chồng: Phụ nữ chưa có chồng thì búi tóc ở phía sau. Phụ nữ đã có chồng thì búi tóc trên đỉnh đầu. Búi tóc này rất cao và được cài bằng hai cái trâm đối nhau.
[7]. Mức thách cưới của người Cống trước kia rất nặng nề, nay đã giảm rất nhiều, có đám nay chỉ lấy 2 đồng bạc trắng.
[8]. Theo tập quán, bố mẹ đẻ của cô dâu không đi đưa cô dâu về nhà chồng.