Những năm qua ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu đã tích cực triển khai nhiều biện pháp, hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân. Từ đó góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao dân trí... giữ gìn bản sắc văn hóa 20 dân tộc trên địa bàn.

     Với các hoạt động thế mạnh của ngành như tuyên truyền lưu động, chiếu phim vùng cao, tuyên truyền miệng, cổ động mặt đường, triển lãm ảnh, sách, báo... Các nội dung tuyên truyền được triển khai đến các khu dân cư, cơ quan doanh nghiệp, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên các trường học, trong đó các hoạt động tuyên truyền luôn hướng về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

     Công tác phổ biến giáo dục pháp luật còn được gắn kết chặt chẽ với quá trình xây dựng, triển khai thực hiện quy ước, hương ước ở các bản, khu phố, tổ dân phố. Nội dung quy ước, hương ước đảm bảo phù hợp với pháp luật hiện hành, tình hình thực tiễn của địa phương, từng vùng đồng bào dân tộc và mang tính tự nguyện cao. Quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy trong việc đề ra nội dung, biện pháp xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư trong quy ước. Qua việc thực hiện quy ước, hương ước, ý thức chấp hành luật pháp, thực hiện nếp sống văn minh, tình làng nghĩa xóm, giữ gìn thuần phong mỹ tục trong cộng đồng dân cư ngày càng được nâng cao, các tệ nạn xã hội được ngăn chặn, đẩy lùi.

     “Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp, phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố đẩy mạnh các hình thức, biện pháp tuyên truyền sáng tác và phát hành các mẫu tranh tuyên truyền phòng, chống Covid-19; khuyến khích hình thức tuyên truyền song ngữ, cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc với tổng số: trên 2.476 buổi tuyên truyền bằng xe thông tin lưu động; in treo 1.106 băng zôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích; 161.465 lượt truyền thanh cấp xã, bản; phát 213.064 tờ rơi, thu hút 8.957.286 lượt người nghe, xem. Tính từ đầu năm 2020 đến nay công tác tuyên truyền Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã được truyên truyền, triển khai thực hiện hiệu quả bằng nhiều hình thức khác nhau với: 11 cuộc triển lãm ảnh; 72 tranh cổ động; 486 buổi chiếu phim; gần 200 buổi tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao, du lịch”. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Trần Mạnh Hùng cho biết.

Thông qua các hội thi, hội diễn góp phần nâng cao mức hưởng thụ, sáng tạo văn hóa tinh thần của nhân dân

 

      Bên cạnh đó nhờ chủ động tham mưu triển khai thực hiện các chủ trương hỗ trợ xây dựng và hướng dẫn hoạt động, nên hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động, gắn với đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động hội họp, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, câu lạc bộ, đội văn nghệ, các hoạt động văn hóa, thể thao... Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 794 thiết chế văn hóa, trong đó cấp tỉnh có 6 thiết chế, cấp huyện có 7 thiết chế, 93 nhà văn hóa cấp xã, 883 nhà văn hóa cấp bản. 72 mô hình phòng chống bạo lực gia đình với 425 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 425 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, trên 6.400 gia đình tham gia sinh hoạt câu lạc bộ... Qua đó góp phần nâng cao số lượng, mức hưởng thụ và sáng tạo văn hóa tại địa bàn dân cư, tạo không khí vui tươi phấn khởi, môi trường lành mạnh để tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân, chủ động trong công tác phòng chống, ngăn chặn kịp thời các tệ nạn xã hội len lỏi vào cộng đồng dân cư, ổn định chính trị, an ninh xã hội.

     “Để công tác tuyên truyền đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương, từng vùng đồng bào dân tộc và mang lại hiệu quả cao thì ngoài việc triển khai các hoạt động tuyên truyền lưu động, tuyên truyền miệng... thì chúng tôi còn xây dựng những bộ phim tuyên truyền có lồng tiếng dân tộc về nhiều chủ đề khác nhau như: phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bạo lực gia đình... Trong đó tiêu biểu phải kể đến các bộ phim “Nước mắt của rừng” về chủ đề bảo vệ môi trường và “Giữ lấy dòng họ Chìn” thuộc chủ đề phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết đã thu hút sự chú ý đón xem của đông đảo khán giả mỗi khi trình chiếu ở cơ sở”. Ông Vương Vỹ Thọ Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh chia sẻ.

     Đồng quan điểm với ông Thọ, chị Nguyễn Thị Nụ- Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Lợi huyện Nậm Nhùn cho hay: “Với nhiều hình thức tuyên truyền thông qua tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao; loa phóng thanh bằng hai thứ tiếng; luân chuyển sách báo đến các nhà văn hóa xã, bản; thông tin lưu động... của ngành văn hóa đã thiết thực góp phần nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật của các Hội viên nông dân nói riêng và đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã Lê Lợi nói chung. Từ đó các hủ tục lạc hậu như: thách cưới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết trên địa bàn đã được đẩy lùi. Đến nay 100% số bản trong xã có đội văn nghệ, 78% gia đình văn hóa, 75% bản văn hóa”.

     Đặc biệt thông qua việc tuyên truyền, triển khai các nội dung phong trào xây dựng Gia đình văn hóa; bản, khu phố, tổ dân phố văn hóa, tổ chức lễ hội truyền thống... đã góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân dưới nhiều hình thức và mang lại hiệu quả thiết thực. Từ đó ý thức chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước của người dân ngày càng nâng cao, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại cơ sở.

Thư viện tỉnh triển lãm sách, báo lưu động chào mừng Đại hội đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV, tiến tới Đại hội XIII của Đảng tại huyện Nậm Nhùn

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thăm dò ý kiến
làm sao để có một bức ảnh đẹp
Thống kê truy cập
Hôm nay : 155
Hôm qua : 225