Chúng ta đã biết, di sản văn hóa phi vật thể không tồn tại dưới dạng vật chất và chủ yếu được lưu truyền cho đời sau bằng hình thức truyền khẩu. Vì thế, nghệ nhân - người nắm giữ nội dung di sản văn hóa phi vật thể có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sự tồn tại và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể.
Họ chính là “linh hồn”, là “báu vật sống” trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác. UNESCO đã khuyến nghị các quốc gia thiết lập hệ thống Báu vật nhân văn sống nhằm công nhận, tôn vinh và đãi ngộ những người đang nắm giữ các kiến thức, kỹ năng và bí quyết cần thiết cho việc trình diễn, sáng tạo và trao truyền những di sản văn hóa phi vật thể mang giá trị tiêu biểu ở mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Trong thời đại toàn cầu hóa, nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, coi đó là phương thức thể hiện bản lĩnh văn hóa của dân tộc mình với thế giới.
Khái niệm Báu vật nhân văn sống (Living Human Treasures) được đưa ra trong Khuyến nghị của UNESCO về việc Bảo vệ văn hóa cổ truyền và văn hóa dân gian được thông qua tại kỳ họp của Đại hội đồng UNESCO lần thứ 25 ở Paris vào ngày 15.11.1989. Theo đó, “Báu vật nhân văn sống là những người có kiến thức và kỹ thuật ở cấp độ rất cao cần thiết cho việc biểu diễn hay sáng tạo các yếu tố của di sản văn hóa phi vật thể mà các quốc gia thành viên đã lựa chọn như một bằng chứng cho truyền thống văn hóa sống của mình và cho tinh thần sáng tạo của các nhóm, các cộng đồng và các cá nhân hiện diện trên đất nước mình”. Khái niệm Báu vật nhân văn sống tiếp tục được sử dụng tại điều 2 của Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể do Đại hội đồng UNESCO thông qua vào năm 2003.
Luật Di sản văn hóa (Quốc hội khóa X thông qua ngày 29.6.2001, có hiệu lực từ ngày 01.01.2002), chương 3, điều 26, có quy định: “Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp có giá trị đặc biệt”. Chương 12, điều 12 của Nghị định 92/2002/NĐ-CP ngày 11.11.2002 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản Văn hóa về việc tôn vinh và chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ có công lao bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ghi rõ:“Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ thông qua các biện pháp sau đây: 1. Tặng thưởng, truy tặng Huân chương, Huy chương, danh hiệu vinh dự nhà nước và thực hiện các hình thức tôn vinh khác đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công bảo tồn, phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp thuộc di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu theo quy định của pháp luật; 2. Tạo điều kiện và hỗ trợ một phần chi phí cho các hoạt động sáng tạo, biểu diễn, trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công bảo tồn, phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp thuộc di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu; 3. Trợ cấp sinh hoạt hàng tháng và một số ưu đãi khác đối với nghệ nhân, nghệ sĩ đã được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn và vùng đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật”.
Bảo tồn các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho trình diễn và sáng tạo các loại hình văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu là mục tiêu trong công tác bảo tồn hiện nay. Để thực hiện được điều này, các nghệ nhân cần được tôn vinh để họ có điều kiện duy trì và phát triển kỹ năng và kiến thức, đồng thời có thể truyền dạy lại các kỹ năng và kiến thức này cho các thế hệ tiếp nối.
Yêu cầu của việc công nhận nghệ nhân dân gian là: nghiên cứu, tìm hiểu về quá trình tạo lập tri thức, kỹ năng nghề nghiệp của các nghệ nhân dân gian trong cộng đồng các dân tộc tỉnh Lai Châu; Lập hồ sơ hoàn chỉnh cho các nghệ nhân dân gian; Sau khi được công nhận, sẽ tạo cơ sở để các nghệ nhân được hưởng một chế độ ưu đãi và tôn vinh của nhà nước nhằm duy trì và phát triển lĩnh vực của mình. Bên cạnh đó, sẽ tạo động lực để họ đào tạo đội ngũ nghệ nhân kế cận, hợp tác để làm tư liệu, thường xuyên biểu diễn để phổ biến nghệ thuật của mình đến với công chúng, và để phát triển hơn nữa tri thức và kỹ năng của mình.
Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đã và đang tổ chức điều tra, lập hồ sơ nghệ nhân dân gian trên nhiều lĩnh vực, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là một việc làm cần thiết trong việc bảo tồn những báu vật sống của tỉnh Lai Châu. Với những nỗ lực ấy, Vinh dự cho Tỉnh Lai Châu có 04 nghệ nhân được phong tặng, truy tặng đợt này gồm: Nghệ nhân Hoàng Ngọc Sứu, Nghệ nhân Nông Văn Nảo (huyện Phong Thổ) Nghệ nhân Tẩn Kim Phu (huyện Sìn Hồ) và truy tặng 01 nghệ nhân ưu tú - Nghệ nhân Nông Văn Nhay (huyện Phong Thổ) (theo Quyết định số 2533/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú”, Quyết định số 2534/QĐ-CTN về việc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” ngày 13/11/2015 của Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Ngày 14/01/2016, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu với UBND tỉnh tổ chức lễ trao tặng danh hiệu vinh dự này cho các nghệ nhân. Việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ I thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các nghệ nhân đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc./.
Đ/c Tống Thanh Hải - UV.BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho các nghệ nhân và người nhà nghệ nhân.