BỮA CƠM GIA ĐÌNH ẤM ÁP YÊU THƯƠNG

BỮA CƠM GIA ĐÌNH ẤM ÁP YÊU THƯƠNG

    Đó là một trong những chủ đề về công tác gia đình được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian qua gắn với ngày gia đình Việt Nam, ngày thế giới xóa bỏ bạo lực và đặc biệt là ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 hàng năm, nhờ đó không những các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội dần được đầy lùi mà các giá trị nhân văn, truyền thống tốt đẹp của 20 dân tộc trong tỉnh ngày càng được quan tâm bảo tồn phát huy.  

       Chúng tôi đến bản Pá Xôm xã Trung Đồng (Tân Uyên) khi các thành viên trong Câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3 đang giao lưu sinh hoạt đầu giờ với những bài hát, điệu múa do chính chị em dàn dựng. Chị Lò Thị Liên, Chủ nhiệm CLB cho biết: “Mỗi buổi sinh hoạt chúng tôi lại có từng chuyên đề khác nhau như: các biện pháp phòng tránh thai, kỹ năng nuôi dạy con, kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc... hiện tại Câu lạc bộ có trên 50 thành viên, nhiều người chồng cùng tham gia sinh hoạt với vợ, chính vì vậy, những năm qua, bản không có hộ sinh con thứ 3, nhiều gia đình có hai con gái cũng rất tích cực tham gia sinh hoạt và quyết tâm dừng lại ở hai con để tập trung phát triển kinh tế gia đình và nuôi dạy con cho tốt”. 

Một buổi sinh hoạt đầu giờ của Câu lạc bộ không sinh con thứ 3 bản Pá Xôm xã Trung Đồng (Tân Uyên)

       Đó chỉ là một trong những nội dung được triển khai có hiệu quả về công tác gia đình trên địa bàn tỉnh Lai Châu thời gian qua. Và để có được những kết quả cụ thể đó các cấp các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp khác nhau. Đặc biệt vào ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, ngày gia đình Gia đình Việt Nam 28/6, hay ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11 thì trên phạm vi toàn tỉnh có rất nhiều hoạt động được diễn ra như: giao lưu văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, toạ đàm gặp mặt các gia đình hạnh phúc tiêu biểu; tuyên truyền lưu động, băng rôn, khẩu hiệu, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, đại chúng, như: Báo Lai Châu, Đài Phát thanh Truyền hình... thông qua những hoạt động cụ thể này nhân thức của người dân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của gia đình ngày càng được nâng cao.

       Song song với những việc làm trên thì ngoài việc tham mưu cho UBND tỉnh ban hành ban hành các văn bản chiến lược quan trọng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 về công tác Gia đình như: Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu…  thì hàng năm Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố triển khai, thực hiện các nội dung thuộc lĩnh vực công tác gia đình nói chung và phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng theo từng năm, đồng thời xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động, cụ thể như: Duy trì, nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; Các hoạt động tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; Xây dựng địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; Xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động theo từng quý, tháng; Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn về công tác phòng, chống bạo lực gia đình... “Nhờ được tham gia Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững của bản với nhiều nội dung chuyên đề sinh hoạt khác nhau nên tình trạng bạo lực gia đình của bản hiện nay gần như không còn xẩy ra, bản sắc văn hóa của người Mông chúng tôi được cả cộng đồng quan tâm gìn giữ thông qua việc thêu, may trang phục, làm khèn hay biểu diễn giao lưu văn nghệ trong lễ hội Gầu tào được tổ chức hàng năm tại xã”.  Bí thư Chi bộ kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững bản Gia Khâu 1 xã Nậm Lỏng (TP Lai Châu) Sùng A Sang chia sẻ.

       Bên cạnh đó nhờ có sự kết hợp chặt chẽ giữa công tác phòng, chống bạo lực gia đình với phong trào xây dựng gia đình văn hoá đã hướng các gia đình dân tộc Lai Châu tích cực hơn trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dòng họ, tộc người cũng như việc xây dựng tình làng nghĩa xóm đoàn kết, thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đến hết năm 2015 tỉnh Lai Châu có 212 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 201 nhóm phòng chống bạo lực gia đình, 114 địa chỉ tin cậy, gần 5.000 thành viên là đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh cùng tham gia sinh hoạt với nhiều nội dung khác nhau như: kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình; kỹ năng phát triển kinh tế gia đình; phương pháp nuôi dạy con… chính những nội dung sinh hoạt đơn giản, ngắn gọn, cụ thể ấy đã góp phần làm giảm tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh từ 22-25% số hộ gia đình có hành vi bạo lực của năm 2008, xuống còn 10% năm 2011, và đến nay chỉ còn khoảng 5 - 7%. “Mô hình PCBLGĐ được thành lập không những làm giảm tỷ lệ bạo lực gia đình trên địa bàn xã mà còn góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình. Đến nay hầu hết các CLB GĐPTBV đã thành lập được đội văn nghệ quần chúng, thường xuyên tham gia biểu diễn trong các dịp lễ, tết và các cuộc thi do xã, huyện, tổ chức. Nhiều CLB còn gây dựng được nguồn quỹ để hỗ trợ các thành viên phát triển kinh tế, thăm hỏi, tặng quà các thành viên trong CLB những lúc ốm đau, bệnh tật, việc hiếu, hỷ ... hiện tại có một số CLB có nguồn quỹ gần 10 triệu đồng như: CLB Bản Huổi Nả, CLB bản Co Muông…”. Phó Chủ tịch UBND xã Khổng Lào (Phong Thổ) Phùng Văn Nguyện chia sẻ.

        Tính đến hết năm 2015 trên địa bàn toàn tỉnh đã có 68.050/84.950 hộ được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 80%; 13.000 gia đình thể thao; 3.813 gia đình hiếu học; 97 dòng họ hiếu học… nhưng đặc biệt hơn cả là chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” đã thực sự đi vào cuộc sống và trở thành sợi dây gắn kết của mỗi tổ ấm gia đình đồng bào các dân tộc Lai Châu trong thời kỳ hội nhập.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thăm dò ý kiến
làm sao để có một bức ảnh đẹp
Thống kê truy cập
Hôm nay : 114
Hôm qua : 177