Vừa qua, những ngày tháng 5, Đoàn nghệ sĩ của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lai Châu gồm 13 đồng chí đã có chuyến công tác dài 14 ngày biểu diễn phục vụ các cán bộ, chiến sĩ và ngư dân đang sinh sống và làm việc tại huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK 1. Chuyến công tác không chỉ mang đến nguồn động viên tinh thần to lớn cho quân và dân ngoài hải đảo mà còn để lại những ấn tượng khó phai trong lòng những người nghệ sĩ Lai Châu.

Vinh dự nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Biểu diễn nghệ thuật phục vụ bộ đội Trường Sa và Nhà giàn DK1 là nhiệm vụ chính trị quan trọng được Cục Chính trị Quân uỷ Hải quân thực hiện thường xuyên nhằm cổ vũ, động viên các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang sinh sống và làm nhiệm vụ tại Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK 1; Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của biển đảo và ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của tổ quốc, tạo thành những phong trào hành động thiết thực hướng về biển, đảo.

          Lần đầu tiên được tham gia thực hiện nhiệm vụ này, Sở VH,TT& DL tỉnh Lai Châu đã thành lập Đội nghệ thuật xung kích gồm có 13 người gia nhập đoàn số 14 do Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương chủ trì, biểu diễn tại quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 năm 2023.

Các thành viên của Đội Nghệ thuật Xung kích tỉnh Lai Châu có chuyến công tác dài ngày ở quần đảo Trường Sa.

           Vượt quãng đường hơn 1.000 hải lý, Đoàn đã ghé thăm và tổ chức 6 buổi biểu diễn trên các đảo: Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Tây A, Trường Sa và Nhà giàn DK-1/18 và tổ chức ba đêm giao lưu văn nghệ với các tổ công tác trên tàu. Tại đây, các nghệ sĩ đã thể hiện những tiết mục ca, múa, nhạc ca ngợi quê hương, đất nước, biển đảo của tổ quốc, cũng như giới thiệu những nét đẹp về thiên nhiên, văn hóa, con người Lai Châu.

Các nghệ sĩ biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ tại đảo Đá Tây A.

Ngoài hoạt động biểu diễn, đội nghệ thuật xung kích của Lai Châu cũng tham gia nhiều hoạt động có ý nghĩa như dự lễ chào cờ Tổ quốc trên đảo Trường Sa; dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm liệt sĩ trên đảo Trường Sa, Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trên đảo Song Tử Tây; thắp hương các chùa trên đảo; tổ chức lễ tưởng niệm và dâng hương các Anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo tại vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao và trong khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Các buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, đầy xúc động, thành kính.

Đoàn tham gia dâng hương cho các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm Vòng tròn bất tử ở đảo Gạc Ma.

Với suy nghĩ “Mang ra tình cảm, mang về niềm tin”, các thành viên Đội nghệ thuật xung kích tỉnh Lai Châu đã cảm nhận tình cảm sâu đậm, gắn kết của quân và dân huyện đảo Trường Sa; nhận thức sâu sắc được chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc với đầy đủ niềm tin và trách nhiệm. Chuyến đi là trải nghiệm thực tế hết sức quý báu về Trường Sa, phát huy được tinh thần “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”.

 Đội Nghệ thuật Xung kích tỉnh Lai Châu chụp ảnh lưu niệm tại đảo Trường Sa Lớn.

Chuyến đi của Đội nghệ thuật xung kích tỉnh Lai Châu cùng với Đoàn công tác số 14 đã thành công tốt đẹp, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Kết thúc chuyến công tác, Ban tổ chức đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc” và trao Huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa” tặng cho các cá nhân. Đoàn công tác các địa phương và các cơ quan, doanh nghiệp cũng dành nhiều phần quà ý nghĩa tặng tổ công tác trên tàu và Đội Nghệ thuật xung kích tỉnh Lai Châu.

          Chuyến đi của những lần đầu tiên

Đến Trường Sa là một cơ hội may mắn không phải ai cũng có được, nên không lạ gì mà những trải nghiệm trong chuyến đi này lại đặc biệt đối với những thành viên trong đội nghệ thuật xung kích tỉnh Lai Châu.

Đó là lần đầu tiên những người gắn bó với miền núi được rời đất liền, ra ngoài khơi xa và lâu đến vậy. Quãng đường gần 1.000 hải lý (tương đương khoảng 1.800km), cùng cơn say sóng kéo dài 6 ngày là những gì đoàn công tác đã trải qua để ghé thăm 5 hòn đảo và Giàn khoan DK1/18. Vì điều kiện các đảo cách xa nhau và thời gian có hạn, nên đoàn chỉ dừng chân khoảng một tiếng đồng hồ trên mỗi đảo, phần lớn thời gian còn lại đều ở trên tàu di chuyển. Mọi sinh hoạt thường ngày có phần xáo trộn vì phải thích ứng với điều kiện đặc thù trên tàu.

Các thành viên đội nghệ thuật xung kích tỉnh Lai Châu sinh hoạt trên tàu.

Đây là chuyến công tác đầu tiên mà những người nghệ sĩ mang theo hành lý nhỏ gọn đến thế. Hành trang mang theo không có gì thêm ngoài quân tư trang cá nhân và một số trang phục biểu diễn và nhạc cụ quan trọng. Tất cả các máy móc, trang thiết bị kỹ thuật cồng kềnh đều không được mang theo.

Các nghệ sĩ biểu diễn trên tàu.

Cũng trong chuyến đi này, những người nghệ sĩ quanh năm gắn bó với núi rừng lần đầu tiên biết cảm giác chơi vơi, choáng ngợp giữa biển khi mặc áo phao leo lên, xuống thân tàu mỗi ngày để vào đảo. Tất cả những cảm giác sợ hãi ấy nhanh chóng tan biến khi trước mắt họ là những chiến sĩ, người dân trên đảo đang hồ hởi đón chào.

Đoàn công tác di chuyển bằng ca nô để ra, vào đảo.

 Trên chuyến đi đặc biệt này, đội nghệ thuật xung kích lần đầu tiên biểu diễn tại tàu để phục vụ và giao lưu với các đoàn công tác; lần đầu tiên biểu diễn mà không nhìn thấy, không thể tiếp cận khán giả khi phục vụ các chiến sĩ đang công tác tại Giàn khoan DK 1/18.

Niềm xúc động không nói nên lời

          Hoạt động ở địa bàn biên giới, các ca sĩ, diễn viên múa của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lai Châu không còn xa lạ với những chuyến đi biểu diễn phục vụ các cán bộ, chiến sĩ vùng biên cương, nhưng chỉ khi đặt chân đến Trường Sa, họ mới thấu hiểu sâu sắc những hy sinh, gian khổ của quân và dân nơi đầu sóng, ngọn gió, đang ngày đêm canh giữ vùng biển, thềm lục địa của tổ quốc.

Các nghệ sĩ Lai Châu biểu diễn giao lưu với các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây.

          Ngoài lời ca tiếng hát, trong chuyến đi này, đội Nghệ thuật xung kích tỉnh Lai Châu còn mang đến một món quà ý nghĩa cho các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ngoài hải đảo. Đó là gần 500 bức thư viết tay của các em học sinh trường Tiểu học số 1, tiểu học Đoàn Kết và trường PTDTNT tỉnh. Mỗi lá thư là những lời bày tỏ niềm yêu quý, mến mộ và lời động viên trong sáng, ngây ngô của các em. Những lá thư ấy đã mang đến niềm vui, niềm khích lệ tinh thần to lớn đến với quân và dân ngoài hải đảo.

Ca sĩ Cẩm Vân, người đã nảy ra ý tưởng và thực hiện việc mang tình dân vượt núi, vượt trùng khơi ra ngoài hải đảo, bày tỏ: “Từ nhỏ, tôi đã biết đến các chú hải quân qua sách vở, qua lời kể của thầy cô và ước mơ được đến Trường Sa một lần. Tin chắc còn có rất nhiều bạn nhỏ khác cũng giống như tôi nhưng không phải ai cũng có cơ hội biến ước mơ trở thành hiện thực, nên tôi đã nảy ra ý tưởng chia sẻ may mắn của mình bằng cách gửi những lời nhắn nhủ của các em tới tận tay các chú hải quân”.

 

Những bức thư của của các cháu học sinh thành phố lai Châu gửi các chiến sĩ ngoài đảo Trường Sa.

Việc trao thư này cũng là cơ duyên cho Cẩm Vân gặp gỡ được nhiều đồng hương (Nghệ An) là các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại hải đảo. Cô tự hào kể về hình ảnh các chiến sĩ dù tuổi còn rất trẻ nhưng đều chững chạc và rắn rỏi, dù phải xa nhà, xa người thân nhưng luôn mang trong mình tinh thần vui tươi, hăng hái xung phong khi làm nhiệm vụ. Cô chia sẻ: “Thật tự hào khi thấy thanh niên quê mình có tinh thần can trường đáng ngưỡng mộ như vậy, chỉ mong các em luôn có sức khỏe thật tốt để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.

Ca sĩ Cẩm Vân chụp ảnh lưu niệm cùng đồng hương trong chuyến công tác.

Tại mỗi điểm đến, đoàn đều nhận được sự chào đón nồng ấm từ các cán bộ, chiến sĩ và người dân. Được gặp gỡ, thăm hỏi trực tiếp, Đoàn công tác đã hiểu hơn về đời sống, những vất vả, khó khăn của quân dân trên đảo, từ cách trồng trọt, chăn nuôi, trao đổi cá, thực phẩm với ngư dân để cải thiện cho bữa ăn, đến việc tổ chức những lớp học nhỏ cho các em thiếu nhi… Đoàn vô cùng xúc động và cảm kích trước tinh thần nỗ lực vượt khó, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của quân dân quần đảo Trường Sa.

Là Trưởng phòng Nghệ thuật Biểu diễn của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lai Châu, chị Mào Hải Chính đã quen với công việc dẫn dắt đoàn nghệ sĩ đi biểu diễn xa dài ngày, song, đối với chị, chuyến đi Trường Sa có lẽ là chuyến đi vất vả nhưng lại được mong chờ nhất trong quãng đời công tác của mình: “Nhớ và xúc động nhất là khi đoàn công tác được báo di chuyển đến điểm cuối cùng của hành trình là Giàn khoan DK1/18. Tôi háo hức mong được lên giàn khoan đến nỗi không ngủ được. Nhưng thật không may là khi đến nơi trời lại mưa to, sóng biển dâng cao, ước mơ ấy không thể thành hiện thực. Chúng tôi chỉ có thể đứng nhìn và hát tặng các cán bộ, chiến sĩ trên giàn khoan từ khoảng cách xa, qua bộ đàm. Khoảnh khắc tiếng hát của các chiến sĩ đáp lại vang lên giữa bốn bề mênh hông sóng biển, tôi thực sự thấu hiểu những hy sinh, gian khổ của công việc mà các đồng chí đang làm. Các nghệ sĩ đều hát trong nghẹn ngào xúc động”.  

Các nghệ sĩ hát tặng các chiến sĩ trên Giàn khoan DK1/18 qua bộ đàm của tàu.

Chuyến đi dài đến Trường Sa đã khép lại, Đội Nghệ thuật Xung kích đã trở về Lai Châu. Không còn nỗi nhớ nhà và những cơn say sóng, họ lại nhận ra cuộc sống yên bình này của chúng ta thật không dễ dàng gì có được nếu không có những hy sinh đánh đổi của người lính. Những trải nghiệm quý giá và hiếm hoi trong chuyến đi Trường Sa sẽ không đơn thuần chỉ là những kỷ niệm đẹp mà còn đánh thức trong lòng mỗi người tình yêu quê hương và tinh thần trách nhiệm bảo vệ biển đảo của tổ quốc. Đối với những nghệ sĩ, đây cũng là nguồn tư liệu, nguồn cảm hứng mới mẻ cho hoạt động sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật sau này.

Vàng Ly

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thăm dò ý kiến
làm sao để có một bức ảnh đẹp
Thống kê truy cập
Hôm nay : 251
Hôm qua : 367