“Khách du lịch” được xem là một trong những yếu tố sống còn, quyết định sự phát triển của ngành du lịch tại địa phương và làm thế nào để có thể thu hút khách du lịch là bài toán mà nhiều địa phương cần phải tìm lời giải. Thời gian qua, Lai Châu đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ với việc sử dụng thế mạnh về nguồn tài nguyên nhiên, nhân văn để có thể đưa ra được những sản phẩm du lịch hội tụ đầy đủ các yếu tố “đặc thù – hấp dẫn – đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường” nhằm thu hút du khách.
LỜI GIẢI CHO BÀI TOÁN SẢN PHẨM
Để đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh, nghiên cứu văn hóa của du khách trong nước và quốc tế. Từ giai đoạn (2010 - 2015) ngành du lịch Lai Châu đã tập chung mọi nguồn lực triển khai đồng thời nhiều giải pháp, trong đó phải kể đến việc UBND tỉnh công nhận 02 tuyến du lịch (thành phố Lai Châu – huyện Sìn Hồ - huyện Nậm Nhùn – huyện Phong Thổ và tuyến huyện Tam Đường – thành phố Lai Châu – huyện Phong Thổ) và 09 điểm du lịch cấp tỉnh (thị trấn Sìn Hồ; Bản Tà Phìn – Sìn Hồ; Động Tiên Sơn, Bản Hon, Bản Nà Luồng – Tam Đường; Bản Gia Khâu; bản Sang Thàng – thành phố Lai Châu; Bản Vàng Pheo, Bản Sin Súi Hồ - Phong Thổ); Bảo tồn 22 di tích lịch sử danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và phục dựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái trắng, Mông, Giáy, Lào, Lự tại tỉnh để phục vụ phát triển du lịch như: Lễ hội Then Kin Pang, lễ hội Bun Vốc Nậm, lễ hội Gàu Tào…; Các phiên chợ vùng cao: chợ San Thàng (thành phố Lai Châu), chợ Dào San (Phong Thổ), chợ Sìn Hồ (thị trấn Sìn Hồ); xây dựng nghề dệt truyền thống dân tộc Lự - Bản Hon trở thành sản phẩm du lịch độc đáo; nghiên cứu, khảo sát phát triển dòng sản phẩm chinh phục đỉnh cao (Đỉnh PuTaLeng - cao 3.049m, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử - cao 3.040 m); Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển các điểm văn hoá tâm linh tại: Đền thờ vua Lê Thái Tổ, miếu Nàng Han, di tích cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ; Nâng cấp tuyến đường quốc lộ 4D cửa ngõ nối Lào Cai với Lai Châu và tuyến Lai Châu - Điện Biên; xây dựng kết cấu hạ tầng tại khu du lịch quần thể danh lam thắng cảnh cấp quốc gia “Pusamcap”; động “Tiên Sơn” kết hợp chương trình nông thôn mới xây dựng đường giao thông, đường điện, nước sạch cho các điểm du lịch cộng đồng...
Lai Châu còn chú trọng liên kết phát triển du lịch với các tỉnh trong khu vực bao gồm: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái; Hà Giang; Phú Thọ. Trong đó tập chung phát triển 02 trụ cột chính là xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo với việc tổ chức nhiều chương trình khảo sát cho các hãng lữ hành, các đoàn FAMTRIP; MEDIATRIP để quảng bá, nối tour du lịch theo chuyên đề, chào bán sản phẩm du lịch có chất lượng trên tuyến du lịch “vòng cung Tây Bắc”; tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu hàng lưu niệm và quà tặng đặc trưng của khu vực để xác định quà tặng độc đáo của từng tỉnh; Dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn của dự án Eu 8 tỉnh TBMR đã tiến hành khảo sát xây dựng dòng sản phẩm đặc thù cho tiểu vùng Sông Đà (bao gồm các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) và tuyến cao tốc Lào Cai – Hà Nội (bao gồm các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu), kết nối tuyến du lịch đường thủy (Hòa Bình - Sơn La - Lai Châu); Xây dựng tour du lịch Phú Thọ - Lào Cai – Lai Châu và đầu tư công tác quảng bá xúc tiến dưới nhiều hình thức như đăng tải thông tin du lịch tỉnh trên trang website 8 TBMR; xuất bản cẩm nang hướng dẫn du lịch 8 tỉnh TBMR bằng song ngữ Anh-Việt, tham gia các Hội chợ VITM tại Hà Nội, Tây Bắc, xúc tiến đầu tư du lịch tại TP Hồ Chí Minh, xúc tiến đầu tư - an sinh xã hội vùng Tây Bắc; Tham gia cuộc thi ảnh đẹp du lịch Tây Bắc...
Không chỉ dừng lại ở việc đa dạng hóa dòng sản phẩm tại tỉnh và tăng cường công tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh trong khối hợp tác, Lai Châu còn triển khai nhiều chương trình đào tạo trong đó ưu tiên đối tượng là người dân tại các bản du lịch cộng đồng cũng như ban hành nhiều chính sách thông thoáng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch Lai Châu.
Hình ảnh các cô gái Mông trong ngày hội tại bản Gia Khâu I, xã Nậm Loỏng, TP Lai Châu
GIẢI PHÁP THU HÚT KHÁCH THỜI GIAN TỚI
“Việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách” được xác định không chỉ là mục tiêu trước mắt mà còn là mục tiêu lâu dài của du lịch Lai Châu. Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới Du lịch Lai Châu cần tập chung triển khai một số giải pháp.
Một là: Ưu tiên nguồn nhân lực cho việc nghiên cứu và phát triển dòng sản phẩm du lịch mới, đặc thù, đủ khả năng cạnh tranh trên thị. Để trong thời gian tới, có thể giới thiệu đến các hãng Lữ hành, du khách và mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư.
Hai là: Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư trong việc giữ gìn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để khai thác phát triển du lịch cũng như cần xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, văn hóa.
Ba là: Nghiên cứu mở thêm tour, tuyến du lịch mới tại địa phương nhằm đáp ứng chuỗi tham quan của du khách cũng như đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các hãng lữ hành, khi đưa khách đến vùng Biên giới Lai Châu.
Bốn là: Xây dựng chương trình quảng bá xúc tiến mang tính dài hơi, trong đó cần chú trọng việc xây dựng và quản lý thông tin website để du khách có thể truy cập thông tin đầy đủ về các điểm đến tại Lai Châu.
Năm là: Xây dựng kế hoạch đào tạo dài hạn, trong đó tập chung cho đối tượng là người dân tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch các điểm du lịch, đào tạo đội ngũ thuyết minh viên du lịch bản địa, nhân viên tại các khách sạn, nhà hàng có đủ chuyên môn nghiệp vụ, nhiệt huyết để có thể làm hài lòng du khách.
Sáu là: Ưu tiên vốn ngân sách đầu tư hạ tầng khung của các khu du lịch, các điểm du lịch quan trọng và đối với các điểm du lịch tiềm năng được định hướng trong quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển các công trình vật chất kỹ thuật, sản phẩm dịch vụ phục vụ du lịch...
Với việc khai thác triệt để tiềm năng du lịch Lai Châu đang sở hữu, cùng với việc thực hiện đồng bộ những giải pháp mang tính tình thế và lâu dài, thì chúng ta có thể tin rằng trong tương lai không xa “Lai Châu sẽ là sự lựa chọn không thể thiếu của du khách mỗi khi đến với Tây Bắc”.