Đèo Ô Quy Hồ và Cao nguyên Sìn Hồ là 2 địa danh nổi tiếng của tỉnh Lai Châu nằm trong danh mục địa điểm tiềm năng phát triển du lịch quốc gia theo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, kèm theo là phụ lục danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển du lịch quốc gia. Trong đó, Lai Châu có 2 địa điểm nổi bật là Ô Quy Hồ và Cao nguyên Sìn Hồ.
Đèo Ô Quy Hồ - tiên cảnh nơi phố núi
Đỉnh Đèo Ô Quy Hồ
Đèo Ô Quy Hồ nằm trên quốc lộ 4D, trong đó 2/3 quãng đường thuộc địa phận huyện Tam Đường (Lai Châu) và phần còn lại nằm trên địa phận thị xã Sa Pa (Lào Cai). Ô Quy Hồ có độ cao khoảng 2.000m so với mực nước biển, chiều dài gần 50km và được mệnh danh là “vua” của các đèo ở Việt Nam. Đứng trên đỉnh đèo Hoàng Liên Sơn, du khách có thể trải tầm mắt ra thật xa phía chân trời, ngắm nhìn sự bất tận bao la của trời đất Tây Bắc với núi non trùng điệp, biển mây trắng xóa đẹp đến nao lòng.
Tại đèo Ô Quy Hồ hiện đang khai thác hai điểm du lịch là Cầu kính Rồng Mây và khu du lịch cổng trời Ô Quy Hồ. Cầu kính Rồng Mây có sàn cường lực dày 7cm, chịu sức nặng hơn 3000 người cùng lúc, đảm bảo an toàn tối đa cho du khách khi di chuyển trên cầu. Cầu có thiết kế hình tròn, sở hữu 4 hành lang vây tứ phía, trong đó có 3 hành lang được làm bằng kính vươn ra xa. Đứng từ đây du khách có thể phỏng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh đỉnh Ô Quy Hồ hùng vĩ.
Vẻ đẹp hùng vĩ của khu du lịch Cầu kính Rồng Mây nhìn từ trên cao
Cổng trời Ô Quy Hồ cũng là điểm đến hút khách tại Lai Châu. Cổng trời Ô Quy Hồ thuộc Khu du lịch Cổng trời Ô Quy Hồ (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) có độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển. Khi đứng trên đỉnh đèo Hoàng Liên Sơn trải tâm mắt ra thật xa chân trời, du khách sẽ thấy được sự bao la bất tận của trời đất Tây Bắc. Đây là một trong những điểm săn mây đẹp top đầu Tây Bắc.
Toàn cảnh khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên Sơn được xây dựng trên diện tích 52ha, thuộc địa phận xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu
Hiện tại, Lai Châu và Lào Cai đang xây dựng và triển khai rất nhiều kế hoạch nhằm khai thác tối đa được tiềm năng du lịch của đèo Ô Quy Hồ. Tuy nhiên, cũng lên phương án đảm bảo an toàn cho du khách, đảm bảo bảo tồn nguyên vẹn cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.
Cao nguyên Sìn Hồ - "nóc nhà Lai Châu"
Cùng với đèo Ô Quy Hồ, cao nguyên Sìn Hồ cũng là địa điểm sở hữu tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia. Cao nguyên Sìn Hồ được mệnh danh là “nóc nhà Lai Châu”, kiệt tác tuyệt đẹp của mẹ thiên nhiên. Vài năm trở lại đây, cao nguyên Sìn Hồ trở thành một trong những điểm đáng đến nhất nhì Tây Bắc.
Cao nguyên Sìn Hồ cách trung tâm tỉnh Lai Châu khoảng 60km về phía Tây, phía Bắc giáp với Vân Nam (Trung Quốc), phía Nam giáp với huyện Tủa Chùa, phía Đông và Tây giáp với huyện Phong Thổ và Mường Tè. Cao nguyên Sìn Hồ có độ cao trung bình từ 900 đến 1.800m so với mực nước biển.
Toàn cảnh Thị trấn Sìn Hồ
Cao nguyên Sìn Hồ có khí hậu quanh năm sương mù bao phủ với nhiều cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, những con đường uốn lượn ôm sát các triền núi và Sìn Hồ cũng được mệnh danh là “thiên đường” của nhiều loài dược liệu quý (Sâm Ngọc Linh, Thất Diệp Nhất Chi Hoa, Đương Quy, Tam Thất, Sa Nhân, Đỗ Trọng …).
Đến vùng đất này, du khách có cơ hội ngắm nhìn biển mây, khám phá những dãy núi hùng vĩ, tham quan những thửa ruộng bậc thang độc đáo. Bên cạnh đó còn được trải nghiệm những phong tục, văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em.
Hiện tại đã có nhiều nhà đầu tư đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu đề xuất các dự án đầu tư phát triển du lịch Sìn Hồ.
Trên hết, với định hướng, chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền trong việc phát triển tiềm năng du lịch bản địa, tỉnh Lai Châu sẽ sớm trở thành điểm đến mới của Tây Bắc, thu hút đông đảo du khách nội địa và quốc tế. Từ đó góp phần đáng kể vào việc hiện thực hóa các mục tiêu trong Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2025.
Bài: Trang Huyền; Ảnh: Đồng Thoa