Tại Ngày hội Trình diễn cây nêu và Giao lưu Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II năm 2023, văn hóa của người Hà Nhì được đoàn Lai Châu thể hiện trong các phần thi: không gian văn hóa, ẩm thực, du lịch, văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thể hiện hết mình tại Ngày hội, đoàn Lai Châu đã nhận được sự đánh giá cao của Ban giám khảo và sự quan tâm của đông đảo du khách thủ đô.

          Ngày hội Trình diễn cây nêu và Giao lưu Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II năm 2023 được tổ chức tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Ngoài giới thiệu các lễ hội gắn với cây nêu của các dân tộc, Ngày hội còn quy tụ những sắc màu văn hóa đặc sắc nhất của các dân tộc tiêu biểu tại các tỉnh đến tham dự. Đến với Ngày hội lần này, đoàn Lai Châu đã giới thiệu văn hóa dân tộc Hà Nhì, một dân tộc sinh sống lâu đời tại tỉnh và có văn hóa truyền thống rất phong phú và đặc sắc.

Văn hóa dân tộc Hà Nhì được đoàn Lai Châu thể hiện trong các nội dung thi: không gian văn hóa, ẩm thực, du lịch và văn nghệ.

Các đại biểu, ban giám khảo chụp hình lưu niệm tại không gian văn hóa dân tộc Hà Nhì tỉnh Lai Châu.

Không gian văn hóa Hà Nhì nổi bật với chiếc cổng là hai cây hoa gạo. Đây là hình ảnh quen thuộc trong văn đời sống người Hà Nhì: người Hà Nhì trồng hoa gạo trước cửa nhà, cổng bản để đánh dấu nơi ở của mình. Không gian được thiết kế mô phỏng theo kiến trúc nhà ở của người Hà Nhì, chia thành ba khu vực: phòng khách, phòng ngủ và phòng bếp. Trong đó, mỗi khu vực đều được trang trí, trưng bày bằng những vật dụng của người Hà Nhì như: Nón đan bằng giang, bem đựng dồ, thùng đựng thóc, mẹt, sàng, gùi…

Không gian bếp lửa ấm cúng của người Hà Nhì được tỉnh Lai Châu tái hiện tại Ngày hội.

 

Không gian nhà ở cùng những vật dụng trong nhà cho thấy người Hà Nhì là một dân tộc cần cù và có tính sáng tạo cao trong lao động sản xuất. Các nghề thủ công như đan lát, rèn và trồng bông dệt vải phát triển từ lâu đời; họ còn sáng tạo ra các nhạc cụ riêng như đàn ba dây, trống chiêng, chũm chọe,… và có rất nhiều làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc. Hệ thống lễ hội trong năm của người Hà Nhì cũng rất phong phú, như: tết mùa mưa, tết cổ truyền, cúng bản, cúng rừng… vào những dịp này, đồng bào mặc trang phục truyền thống, giao lưu văn nghệ và vui chơi các trò chơi dân gian.

Bên cạnh không gian văn hóa, văn hóa của người Hà Nhì còn được thể hiện trong phần thi ẩm thực với chủ đề “mâm cơm ngày tết cổ truyền của người Hà Nhì”.

Tết cổ truyền là ngày lễ lớn nhất trong năm của người Hà Nhì. Tết kéo dài 5 ngảy, bắt đầu từ ngày con rồng đầu tiên của tháng 10 âm lịch hàng năm. Mâm cơm của người Hà Nhì vào ngày tết truyền thống gồm những món ăn được khai thác từ rừng hoặc do bà con tự sản xuất được, với cách chế biến độc đáo, mang hương vị riêng của dân tộc.

Các thiếu nữ Hà Nhì chuẩn bị mâm cơm ngày tết cổ truyền.

 

 Mâm cơm ngày tết cổ truyền của người Hà Nhì Lai Châu gồm các món: cá suối nướng, thịt trâu nấu măng chua, thịt lợn sấy, ba chỉ treo gác bếp xào rau cải, sâu tre rang với hành lá, gà luộc chấm trứng, tía tô, cháo... do chính tay bà con người Hà Nhì đến từ huyện Mường Tè chế biến.

Các đại biểu, ban giám khảo thưởng thức mâm cơm ngày tết của người Hà Nhì.

Tại không gian văn hóa này, đoàn Lai Châu cũng giới thiệu tới đông đảo du khách những tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của vùng đất Ka Lăng, Mường Tè gắn với khám phá văn hóa đặc sắc của người Hà Nhì. Những thắng cảnh như ngã Ba sông Đà, cột mốc số 18, đồn Kẻ Mỏ cùng những đặc sản nổi tiếng của Ka Lăng như ớt Trung Đoàn, tinh dầu sả… thu hút sự quan tâm của du khách.

Các thiếu nữ Hà Nhì giới thiệu tinh dầu sả Ka Lăng tới du khách.

Tại nội dung thi văn nghệ quần chúng, đoàn Lai Châu cũng đã giới thiệu đến Ngày hội hai tiết mục văn nghệ tiêu biểu của dân tộc Hà Nhì là hát dân ca giao duyên “Khàhu” (Lỡ duyên) và điệu xòe tưng bừng của người Hà Nhì với tiết mục múa “Ứ Già Nhi”, do các nghệ nhân, diễn viên đội văn nghệ quần chúng xã Ka Lăng, huyện Mường Tè biểu diễn.

Tiết mục hát dân ca Hà Nhì "Khà mì hu (Lỡ duyên)

Bài hát dân ca “Ứ già nhi” là bài dân ca giao duyên quen thuộc của người Hà Nhì. Lời bài hát là lời đối đáp của cha mẹ chàng trai và cha mẹ cô gái trong ngày chàng trai đi hỏi cưới vợ. Dù bị từ chối vì cô gái đã có hẹn ước với người khác, gia đình chàng trai vẫn vui vẻ chấp nhận và chúc phúc cho cô gái.

Tiết mục múa xòe Hà Nhì “Ứ Già Nhi” trên sân khấu Ngày hội.

Xòe Hà Nhì đặc biệt thu hút bởi tiếng nhạc cụ trống chiêng, chũm chọe tưng bừng, cùng với đó là động tác múa mạnh mẽ, dứt khoát của người tham gia múa. Vòng xòe này là nơi cho trai gái Hà Nhì khoe vẻ đẹp, sức hút của mình và tìm cách tiếp cận với người mình thích.

Vòng xòe Hà Nhì thu hút sự theo dõi của du khách.

Ngoài ra, vẻ đẹp trang phục truyền thống của người Hà Nhì cũng được đoàn Lai Châu thể hiện trong phần thi trình diễn trang phục. Trang phục Hà Nhì có thể coi là bộ trang phục cầu kỳ và nổi bật nhất ở vùng Tây Bắc. Đặc biệt cầu kỳ là ở trang phục nữ giới. Tại phần thi này, đoàn Lai Châu đã giới thiệu trang phục của người Hà Nhì trong nhiều hoàn cảnh: trang phục thầy cúng, trang phục cô dâu chú rể và trang phục ngày thường.

Các chàng trai, cô gái Hà Nhì trong bộ trang phục truyền thống tại Ngày hội.

Với sự thể hiện hết mình tại Ngày hội, đoàn thi Lai Châu mong chờ đạt được những giải thường xứng đáng và để lại ấn tượng tốt đẹp về văn hóa của người Hà Nhì trong lòng nhân dân và du khách thủ đô.

Vàng Ly.

 

 

Bài viết liên quan
Thăm dò ý kiến
làm sao để có một bức ảnh đẹp
Thống kê truy cập
Hôm nay : 93
Hôm qua : 140