Văn nghệ quần chúng không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân, mà còn là công cụ, vũ khí sắc bén trong quá trình giáo dục chính trị tư tưởng, đấu tranh với những cái lỗi thời, lạc hậu, những hủ tục đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân ở từng địa bàn dân cư. 

     Do xác định rõ tầm quan trọng của phong trào văn nghệ quần chúng nên thời gian qua Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Tam Đường luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phong trào này, và được thể hiện rõ nét qua việc chỉ đạo các phòng ban của huyện, đặc biệt là Phòng Văn hóa và Thông tin đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng đội văn nghệ và thành lập các loại hình câu lạc bộ ở các xã, bản như: Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, Câu lạc bộ không sinh con thứ ba, Câu lạc bộ hưu trí... tích cực sinh hoạt, giao lưu biểu diễn vào các dịp lễ, tết, hội của các xã, bản. Đặc biệt hàng năm Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với các phòng, ban liên quan tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, ngày hội như: Liên hoan tiếng hát CNVC-LĐ và lực lượng vũ trang; Lễ hội văn hoá Động Tiên Sơn, ngày hội văn hoá dân tộc Mông, ngày hội văn hoá các dân tộc huyện Tam Đường... qua đó tìm ra những hạt nhân mới, nhiệt tình, năng động và có năng khiếu để tiếp tục kế cận và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở, và tham gia các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn do tỉnh tổ chức.

     Bên cạnh đó cùng với thường xuyên cử cán bộ có chuyên môn xuống từng xã tổ chức các lớp hướng dẫn xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng cho các đối tượng là cán bộ cấp xã và trưởng các tổ chức đoàn thể ở các bản, thì những tiết mục múa, hát, đọc thơ... mang ấm hưởng của từng dân tộc đã được các biên đạo dàn dựng cho mỗi Đội văn nghệ đã góp phần bảo tồn phát huy bản sắc văn hoá của mỗi tộc người trước nguy cơ bị mai một thất truyền. “Hiện tại bản chúng tôi có 01 Đội văn nghệ với sự tham gia của 14 thành viên, dưới sự hướng dẫn của cán bộ Phòng Văn hoá và Thông tin và Trung tâm Văn hoá tỉnh Đội văn nghệ vẫn thường xuyên luyện tập vào những khi thời gian rỗi và giao lưu với các xã, bản lân cận. Trong quá trình luyện tập, giao lưu, biểu diễn các thành viên còn chia sẻ cho nhau những kiến thức về chăn nuôi phát triển kinh tế xoá đói giảm nghèo, sử dụng các biện pháp tránh thai, biện pháp phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội, nuôi dạy con… nhờ đó đến nay bản Sì Thâu Chải không có người vi phạm pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội; nhân dân trong bản luôn chăm lo tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế nên hầu hết các hộ gia đình đều có kinh tế ổn định, đảm bảo cuộc sống. 100% nhân dân trong bản thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Bản đã vận động nhận dân đóng góp được 450 triệu đồng để xây dựng 4.800m đường giao thông lên bản; nhiều năm liên tiếp bản được công nhận danh hiệu “Bản văn hoá”, năm 2015 được UBND huyện tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong triển khai phong trào gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập; năm 2016 bản vinh dự được UBND tỉnh Lai Châu tặng Bằng khen về những thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện phong trào xây dựng bản văn hoá”. Ông Lù A Nghi,Trưởng bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu (Tam Đường) chia sẻ như vậy với chúng tôi.

Tiết mục “Gọi bạn” dân ca dân tộc Mông của Đoàn Nghệ thuật quần chúng huyện Tam Đường đạt giải A tại Liên hoan Dân ca tỉnh Lai Châu lần thứ nhất năm 2017

     Chính trong quá trình đi biểu diễn, xây dựng đội văn nghệ ở cơ sở các tuyên truyền viên, biên đạo múa còn kết hợp tuyên truyền đến đồng bào nhân dân các dân tộc các tiêu chí về xây dựng gia đình văn hoá, bản văn hoá, cũng như vận động bà con không sinh con thứ ba, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu trong tang ma, cưới hỏi gây tốn kém… Đặc biệt hàng năm Trung tâm Văn hoá tỉnh còn cử phương pháp viên xuống từng xã, bản để xây dựng, hướng dẫn các đội văn nghệ quần chúng xây dựng những tiết mục mới trên cơ sở những bài hát, điệu múa của từng dân tộc bản địa, đồng thời lựa chọn những tiết mục, chất liệu múa dân gian, âm nhạc... đặc sắc để dàn dựng thành những tiết mục mới và quay trở lại phục vụ bà con và giới thiệu với bạn bè trong khu vực và cả nước.

     Bằng những cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương và bản sắc văn hoá của từng tộc người, nên phong trào văn nghệ quần chúng ở Tam Đường đã góp phần đẩy lùi những âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, đặc biệt là việc lợi dụng những chính sách tôn giáo, dân tộc của Đảng và Nhà nước ta để tuyên truyền đạo trái phép, kích động nhân dân di cư tự do... Anh Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Tam Đường chia sẻ: “Các hoạt động văn nghệ quần chúng trên đại bàn huyện thời gian qua đã góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm ở các bản, khu phố, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, uống rượu xay đã dần được loại ra khỏi đời sống cộng đồng. Đến nay toàn huyện có 71% bản được công nhận danh hiệu bản văn hoá, 80% số hộ được công nhận đạt danh hiệu gia đình văn hoá. Toàn huyện đã xây dựng được 13 nhà văn hoá xã, 89 nhà văn hoá bản, và 100% các bản đều có quy hoạch sân chơi, bãi tập theo quy định dành cho các hoạt động văn hoá thể thao nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho 84 đội văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện hoạt động thường xuyên”.

      Những hoạt động văn nghệ quần chúng tưởng trừng như đơn giản nhưng đã thiết thực góp phần nâng cao mức hưởng thụ và sáng tạo văn hoá tinh thần cho nhân dân, tạo sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng, đồng thời đó còn là bước tiến vững chắc của Tam Đường trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khoá XI) về xây dựng phát triển văn hoá con người việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước thời gian qua.

Thăm dò ý kiến
làm sao để có một bức ảnh đẹp
Thống kê truy cập
Hôm nay : 175
Hôm qua : 151