Người Si La cư trú tập trung chủ yếu ở 2 bản Seo Hai và Sì Thau Chải, xã Kan Hồ, huyện Mường Tè. Si La là tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến. Người Si La có danh xưng tự gọi là Cú Ừ, Khà Póe. Người Hà Nhì ở Mường Tè gọi người Si La là “Púy Na” (Người mặc đồ đen). Ở Lào, người Si La có những tên gọi khác là Si Đa, Khơ, Lào, Xủng.
Hiện nay, người Si La thường ở nhà sàn hoặc nhà trệt. Nhà sàn của người Si La được làm bằng gỗ, tre, nứa với kết cấu và hình thức giống như nhà sàn của người Thái nhưng đa phần có diện tích nhỏ hơn. Nhà trệt của người Si La gồm có 02 loại: nhà trệt thưng vách cột chôn; nhà trệt thưng vách cột kê.
Làm nhà là một trong bốn mốc đại sự của đời người đàn ông: lấy vợ - sinh con – dựng nhà – tang ma. Trước đây người Si La không coi trọng làm nhà vì với cuộc sống du canh du cư, nhà cửa tạm bợ nên việc làm nhà đối với họ không phải là vấn đề để bận tâm. Nhưng từ sau khi định canh định cư, việc làm một ngôi nhà để ở lâu dài, cả đời người đã trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với mỗi người đàn ông và ngôi nhà ngày càng trở thành một yếu tố văn hóa bền vững trong cấu trúc văn hóa vật chất của họ.
Người Si La trong trang phục truyền thống
Ảnh: Nguyễn Huế
Chọn đất là việc làm đầu tiên trong tập quán làm nhà của người Si La. Người Si La quan niệm đất mà họ sẽ cư trú có liên quan mật thiết đến sức khoẻ của con người và vật nuôi sống trên mảnh đất đó. Nếu chọn được mảnh đất tốt để ở, con người dồi dào sức khỏe, làm ăn phát triển, chăn nuôi và trồng trọt thuận lợi. Ngược lại, nếu ở trên mảnh đất xấu, chẳng những con người không có sức khỏe, làm ăn không phát triển, có khi còn gặp phải họa lớn (cháy nhà, chết người, lũ quét…). Vì thế, khi có ý định làm nhà, người ta phải tìm bằng được một mảnh đất tốt. Cũng như nhiều dân tộc sống bằng canh tác nương rẫy khác, người Si La cho rằng mảnh đất đẹp để làm nhà phải là mảnh đất gần nương (tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất) và gần nguồn nước (tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt).
Người Si La kiêng không chọn mảnh đất có hòn đá to để làm nhà. Theo quan niệm của họ, những hòn đá to đó luôn có ma trú ngụ. Họ cũng không chọn đất làm nhà ở nơi có vũng nước trâu đằm vì họ cho rằng ở đó có con ma bùn nước sẽ không tốt; Họ cũng không chọn đất làm nhà ở gần vực sâu, miệng khe cạn, những nơi có khe nước chảy vào chính diện của mảnh đất vì họ sợ nếu làm nhà vào hướng đó sau này sẽ luôn bị ốm đau, làm ăn không được thuận lợi. Nhiều khi lũ ống về có thể bị cuốn trôi cả nhà. Mảnh đất được chọn làm nhà không có con vật gì chết, đất phải là đất thổ chứ không phải là đất mượn, không có nguy cơ bị sạt lở…
Người Si La thường chọn “đất chưa có chủ” (không có ma ở) để làm nhà. Họ quan niệm nếu dựng nhà vào mảnh đất đã có ma ở thì sau này gia đình hay bị ma quấy rầy, cuộc sống sẽ khó khăn, mùa màng sẽ thất bát, con người và vật nuôi thường hay bị bệnh tật, ốm đau và có thể sẽ chết. Người ta cần phải bói xem mới biết được đất đó có ma hay không. Khi bói chọn đất không cần phải dâng cúng lễ vật. Phương pháp bói phổ biến trong việc chọn đất của người Si La là bói gạo. Người chọn đất đào 5 cái hố (4 hố ở 4 góc nền nhà và 1 hố ở vị trí xác định sẽ làm bếp chính) rồi bỏ xuống mỗi hố ba hạt gạo chụm đầu vào nhau và xòe ra đều như hình hoa thị, vừa đặt gạo, chủ nhà vừa khấn:
“Ơ! Ca a cơ á cọ mì lí ạ
Ạ pu xì chi chố cà chề cà nê
Dự chi mà cồ
Như chi mà cồ ế
Pu chi mà cồ
Mê chi mà cồ ế
Chô cà
Chề cà lố í cơ
Co xế thà lu lế tê ề
Chư ế i cơ ạ cọ
Nga i co xế tù côi
Cơ mà chố mà chè cà ú
Co xế chố lế tê
Chố cà lố mà chó cà chố ê à mà cha
Mê thù khai lá tê
Chồ cà
Chè cà I cơ co chê tha lu lê tê ê”.
Tạm dịch là:
Ơ! Nơi này chỗ này có ở được không
Tổ tiên tôi ăn ở được chỗ này thì
Anh em không xa
Chị em không rời
Bố không xa
Mẹ không rời
Ở được không
Có ở được ăn được không
Gạo này đừng có động
Ở yên ở chỗ này
Tôi đã cho hạt gạo rồi
Nếu thật sự không ở được
Cho gạo quay
Nếu ở được
Tôi không có chỗ ở
Chủ xin tránh cho tôi
Ở được
Phải ăn ở được tại đây
Gạo đừng quay chỗ nào nhé”.
Ở mỗi hố, người chọn đất đều đọc bài khấn này. Khấn xong, ông ta lấy một hòn đá đậy miệng hố lại rồi đi đặt gạo và khấn ở hố khác. Khi đã khấn xong cả 5 hố, người chọn đất quay về nhà nghỉ một lát rồi quay lại lật các hòn đá đậy miệng hố ra xem các hạt gạo ở cả 5 hố vẫn không di chuyển là được.
Các gia đình chỉ chọn đất làm nhà trong khu vực cư trú của bản. Việc tìm đất được tiến hành ngay sau khi ăn Tết xong (xưa kia người Si La ăn Tết sớm như người Mông). Ngày gia chủ đi chọn đất có những kiêng kỵ nghiêm ngặt. Người ta tránh đi vào ngày mất của bố mẹ, kiêng đi vào ngày sinh của các thành viên trong gia đình, kiêng đi vào ngày con hổ mà thường đi vào ngày con thỏ. Trên đường đi, người ta kiêng gặp rắn nằm ngang đường. Gặp trường hợp ấy, người đi chọn đất sẽ quay về để hôm khác mới đi. Người ta tin rằng, nếu gặp rắn báo điềm gở rồi mà vẫn cố tình đi thì chắc chắn sẽ có chuyện không hay xảy ra (người đi sẽ có thể gặp tai nạn, bị thương hoặc thậm chí có thể bị chết).
Ngày làm nhà mới cũng được người Si La lựa chọn cẩn thận. Người ta tránh khởi công vào ngày mất của bố mẹ, kiêng làm vào ngày sinh của các thành viên trong gia đình, kiêng làm vào ngày con hổ, ngày con khỉ mà thường làm vào ngày con thỏ. Khi đã chọn đủ nguyên vật liệu và xác định được ngày khởi công dựng nhà, người ta sẽ đi báo anh em, họ hàng, láng giềng trong bản biết, mọi người sẽ đến giúp.