Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, hình thành, giáo dục nhân cách của mỗi con người. Gia đình còn là nơi bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Gia đình cũng chính là nơi cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Bởi vậy, trong suốt chiều dài lịch sử, gia đình đã trở thành một trong những nhân tố quyết định đối với sự phồn thịnh của đất nước. Trong thời kỳ mở cửa giao lưu, hội nhập kinh tế thế giới thì việc quan tâm đầu tư cho gia đình càng trở nên quan trọng và bức thiết.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của gia đình đối với sự phát triển của đất nước, ngay sau khi Chỉ thị 49- CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” ra đời, Lai Châu đã tổ chức quán triệt, học tập Chỉ thị và cụ thể hóa những nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị thành các Kế hoạch, chương trình hành động cụ thể phù hợp với đặc thù của tỉnh, như: Quyết định số 48/QĐ-UBND ngày 10/01/2006 phê duyệt kế hoạch xây dựng Gia đình các dân tộc tỉnh Lai Châu giai đoạn 2005 - 2010; Quyết định số 01/2006/QĐ-UBND ngày 10/01/2006 Ban hành bộ tiêu chuẩn hộ gia đình các dân tộc Lai Châu thời kỳ CNH - HĐH đất n­ước; Quyết định số 660/QĐ-UBND ngày 3/6/2009 phê duyệt kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống, bạo lực gia đình giai đoạn 2009 - 2010; Kế hoạch số 1412/QĐ-UBND ngày 21/11/2011 tiếp tục triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011 -2015...

Từng bước đưa các nội dung của Chỉ thị 49- CT/TW vào thực tiễn cuộc sống, phục vụ cho lợi ích của nhân dân thì bên cạnh việc ban hành, triển khai các văn bản, tỉnh ta còn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động của nhân dân đối với việc thực hiện Chỉ thị 49- CT/TW. Trong 10 năm triển khai thực hiện đã có hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp, hàng nghìn bài viết, hàng trăm phóng sự về các tấm gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình văn hóa, phát triển kinh tế hộ gia đình, thực hiện nếp sống văn minh... được tuyên truyền đến người dân. Có rất nhiều buổi giao lưu văn nghệ tại cơ sở, nhiều cuộc tọa đàm được tổ chức nhằm tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, của gia đình, dòng họ, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình làng, nghĩa xóm... được tổ chức rộng rãi và đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo quần chúng nhân dân trên toàn tỉnh..

Hội thi Thể thao, Gia đình lần thứ II năm 2014

 Với những nỗ lực đó, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 49- CT/TW, Lai Châu đã đạt được những thành quả đáng khích lệ. Trước hết là sự chuyển biến về nhận thức. Nếu như trước đây công tác xây dựng, phát triển gia đình hầu như bị bỏ quên và thường được coi là nhiệm vụ của các gia đình thì đến nay các cấp ủy Đảng, Chính quyền đã và đang có sự quan tâm sâu sắc hơn. Gia đình được coi là nhân tố quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Rất nhiều chương trình, kế hoạch về công tác gia đình đã được ban hành và triển khai sâu rộng trên toàn tỉnh. Đội ngũ cán bộ chuyên trách thực hiện công tác gia đình từ cấp tỉnh đến cơ sở ngày càng tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Các gia đình đã tự nguyện, tự giác, tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng gia đình văn hoá, ấm no, hạnh phúc, phát triển bền vững. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước không ngừng được nâng lên.

Chính sự chuyển biến về nhận thức đã tạo được sự chuyển biến về mặt hành vi. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã và đang có những bước tiến mới trong việc thay đổi các hủ tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Tính đến hết năm 2014 toàn tỉnh đã có trên 80% số cặp vợ chồng kết hôn đúng pháp luật, và có 89% số hộ gia đình thực hiện việc cưới, tang theo nếp sống văn minh, 100% số hộ gia đình thực hiện đúng quy ước, hương ước của bản, khu phố. Không những vậy, tình trạng bạo lực gia đình giảm hẳn so với trước, tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới, phụ nữ lấy chồng nước ngoài cũng giảm rõ rệt. Thay vào đó tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá, tỷ lệ trẻ em được đến trường ngày càng tăng lên. Nếu như năm 2006 toàn tỉnh có 23.823 hộ gia đình có bạo lực, 55.292 hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa thì đến hết năm 2014 chỉ còn 408 hộ gia đình có bạo lực và có đến 61.600 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Tỷ lệ hộ đói, nghèo giảm hẳn so với trước. Người dân đã có điều kiện quan tâm và tham gia tích cực vào các hoạt động của công tác gia đình. Nhiều câu lạc bộ, nhiều mô hình, phong trào về gia đình được hình thành, không ngừng phát triển như: câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, câu lạc bộ gia đình không có người sinh con thứ 3, mô hình tín dụng gia đình, mô hình Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), phong trào xây dựng gia đình văn hóa... ngày càng thu hút được sự quan tâm người dân. Tính đến hết năm 2014, Lai Châu đã có tổng số 36 mô hình PCBLGĐ (gồm 176 Nhóm PCBLGĐ, 187 CLB gia đình phát triển bền vững với hơn 4.000 thành viên tham gia CLB) và có 92 địa chỉ tin cậy tin cậy tại cộng đồng được xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh.

Với những thành quả đó, công tác gia đình Lai Châu đã tạo được bước tiến quan trọng cho sự phát triển của công tác gia đình, tạo đà để tiếp tục phát huy vai trò của gia đình nhằm phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đổi mới của tỉnh. /.

 

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thăm dò ý kiến
làm sao để có một bức ảnh đẹp
Thống kê truy cập
Hôm nay : 65
Hôm qua : 177