Đó là khẩu hiệu chung được Đảng bộ, chính quyền và 100% đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn xã Mường Mít (Than Uyên) chung sức, đồng lòng triển khai thực hiện hiệu quả trên miền đất tái định cư, từ đó góp phần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội ra khỏi đời sống cộng đồng, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của người Thái trên miền đất tái định cư.

Phó Chủ tịch UBND xã Lò Văn Tắm tuyên truyền vận động người dân thực hiện các chủ trương về xây dựng đời sống văn hóa.

Dẫn chúng tôi đi thăm môt số nhà văn hóa, gia đình văn hóa trên địa bàn Phó Chủ tịch UBND xã Lò Văn Tắm chia sẻ: “Để cho những chủ trương về tái định cư nói chung và xây dựng đời sống văn hoá nói riêng thực sự đến với mỗi người dân và từng hộ gia đình thì UBND xã đã thành lập Ban chỉ đạo phong trào “TD ĐKXD ĐSVH”, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên như: Công an xã, Mặt trận tổ quốc, Đoàn thanh niên, Cán bộ văn hoá xã… trong việc tham mưu triển khai xây dựng quy ước ở các bản, việc tuyên truyền các tiêu chí về xây dựng gia đình văn hoá, bản văn hoá, giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự tại cồng đồng dân cư… Đặc biệt là phát huy vai trò của trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, cũng như cán bộ, đảng viên nêu gương làm trước sau đó tuyên truyền vận động bà con học tập, làm theo. Đối với các bản thì phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách các nhóm hộ gia đình trong việc nắm bắt tâm tư tình cảm liên quan đến công tác tái định cư, tuyên truyền vận động người dân chấp hành tốt mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa…”.

Từ cách làm cụ thể, thiết thực đó nên xây dựng đời sống văn hoá đã thực sự thấm sâu và trở thành những việc làm cụ thể trong mọi hoạt động đời sống của mỗi gia đình. Trong phát triển kinh tế các hộ gia đình chủ động đã thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, đưa những giống cây trồng mới, cho năng xuất cao vào canh tác trên những chân ruộng một vụ, nhờ đó năng xuất lúa bình quân toàn xã đạt 5 đến 6 tấn/ha, trong đó có nhiều hộ mỗi năm thu về từ 5 đến 7 tấn thóc như gia đình anh Hà Văn Inh ở bản Khoang, Hoàng Văn Lả ở bản Mường. Bên cạnh đó hiện nay toàn xã có 2.110 ha rừng được giao khoán đến từng bản, từng hộ gia đình khoanh nuôi bảo vệ và hưởng lợi từ việc chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nhờ đó đến nay trên địa bàn xã số hộ nghèo chỉ chiếm 27% theo chuẩn nghèo đa chiều. Đến hết năm 2015 xã Mường Mít đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới, mục tiêu phấn đấu năm 2016 với 02 tiêu chí là: nhà ở và hộ nghèo, để đến cuối năm 2017 Mường Mít đạt chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.

Việc vệ sinh môi trường nội bản được người dân bản Khoang xã Mường Mít tiến hành hàng tuần

          Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên miền đất tái định cư được ví như một luồng gió mới, sức mạnh nội sinh giúp người dân có những tư duy mới, góc nhìn mới và cách làm mới không chỉ trong phát triển kinh tế, mà cả việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá của mỗi gia đình, dòng tộc cũng được quan tâm gìn giữ. Hiện tại 9/9 bản trên địa bàn xã Mường Mít đều có Đội văn nghệ với khoảng 6 đến 8 thành viên bao gồm cả nhạc công, vẫn thường xuyên sinh hoạt, luyện tập văn nghệ vào những lúc nông nhàn để tham gia giao lưu biểu diễn giữa các bản và các xã lân cận, đặc biệt là tham gia lễ hội Xòe chiêng được tổ chức hàng năm tại xã vào dịp tết nguyên đán với những bài hát, điệu múa, trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái từ xa xưa truyền lại. Không chỉ bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống mà những hủ tục lạc hậu như: tảo hôn, cưỡng ép hôn nhân, hay việc xem bói, chọn giờ chôn cất đối với các đám tang đã gần như không còn xảy ra, thay vào đó là phụ nữ mang thai và trẻ em trong độ tuổi được tiêm phòng dịch bệnh, người ốm đến trạm y tế xã để được khám và cấp thuốc kịp thời. 

Đên nay toàn xã có 9/9 bản có quy ước, hương ước; 78% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 8/9 bản đạt danh hiệu văn hóa; 5/9 bản có Nhà văn hóa. Các gia đình cũng thường xuyên quan tâm đến việc học tập của con cháu, nhờ đó tình trạng bỏ học của các em học sinh trong độ tuổi đã không còn xảy ra, nhiều gia đình mặc dù kinh tế vẫn còn khó khăn nhưng luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho con cháu theo học tại các trường Đại học trong cả nước như: gia đình anh Lò Văn Anh ở bản Khoang có 2 cháu là Lò Văn Minh đang theo học Đại học An ninh năm thứ 2 và cháu Lò Thị Suôn học Đại học Nông lâm Thái Nguyên năm cuối; hay như gia đình anh Hà Văn Sơn có cháu là Hà Văn Tọ đang theo học Đại học đại học kế toán…

“Nhờ thực hiện tốt khẩu hiệu Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên miền đất tái định cư nên đến nay bản chúng tôi không có tình trạng bạo lực gia đình, không có tệ nạn xã hội, 92% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, việc sinh hoạt Đội văn nghệ của bản theo định kỳ còn giúp các thanh viên chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con… Đặc biệt phát huy truyền thống từ nơi ở cũ và đến nay đã trên 10 năm bản chúng tôi đều duy trì đạt danh hiệu văn hóa, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, việc nuôi nhốt trâu, bò dưới gầm sàn nhà không còn xảy ra, hàng tuần các gia đình trong bản cùng nhau tu bổ đường đi lối lại, quét dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh nội bản đảm bảo vệ sinh môi trường”. Trưởng bản Khoang xã Mường Mít, Lò Văn Bình chia sẻ.  

Với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Đảng bộ, chính quyền, cũng như tình thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo của mỗi người dân, từng gia đình trong triển khai thực hiện, nên khẩu hiệu “Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên miền đất tái định cư” đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần hình thành nên một diện mạo mới văn minh, lành mạnh, giầu bản sắc cho Mường Mít hôm nay.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thăm dò ý kiến
làm sao để có một bức ảnh đẹp
Thống kê truy cập
Hôm nay : 170
Hôm qua : 225