VIẾT ĐỂ LƯU TRUYỀN BẢN SẮC

VIẾT ĐỂ LƯU TRUYỀN BẢN SẮC

     Đó là một trong những việc làm theo Bác hàng ngày của ông Lò Văn Chiến với 81 năm tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng ở bản Tả Sin Chải, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu). Bởi với ông việc mai một, thất truyền bản sắc văn hóa của người Giấy luôn là điều làm ông trăn trở.

     Sinh ra và lớn lên trong gia đình người dân tộc Giấy ở bản Tả Sin Chải xã San Thàng, nay là phường Đông Phong (thành phố Lai Châu), chính vì vậy bản sắc văn hóa của dân tộc Giấy đã trở thành mạch nguồn tuôn chảy trong dòng máu của cậu bé Lò Văn Chiến ngay từ nhỏ. Để rồi khi lớn lên vinh dự được kết nạp Đảng năm 1961 và kinh qua nhiều vị trí công tác như: Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ “cũ” từ 1967 – 1982; Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ từ 1983 – 2000 thì tâm niệm về việc bảo tồn, lưu truyền bản sắc văn hóa của dân tộc Giấy luôn đau đáu đối với ông. Vì vậy từ khi nghỉ hưu năm 2000 chính là thời kỳ vàng son để ông hiện thực ước mơ của mình.

     Đẩy về phía tôi ly trà xanh thơm mát ông Chiến chia sẻ: “Tôi đã nhiều lần  hành quân cùng con ngựa sắt (chiếc xe máy của ông) và chiếc máy ghi âm đi khắp các vùng nơi có người Giấy sinh sống như Quảng Bạ, Hà Giang... hay đến địa bàn các huyện của tỉnh Lai Châu để gặp các bậc cao niên nghiên cứu, tìm hiểu về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Nếu mình không chủ động tìm gặp sớm, không may khi các cụ về với thế giới người hiền bản sắc do các cụ nắm giữ sẽ dần đi vào quên lãng mà thôi”.  

     “Ông Lò Văn Chiến là người có uy tín, tiêu biểu trong cộng đồng. Bên cạnh việc viết sách, ông còn cùng các nghệ nhân người dân tộc Giấy khôi phục bảo tồn nhiều bản sắc văn hóa trong nếp sống, sinh hoạt, cưới, tang hay lễ hội truyền thống của chính dân tộc mình như: lễ hội Tú Tỷ, lễ hội cúng rừng... Đặc biệt những năm gần đây ông còn chủ động phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn nhiều Nghệ nhân dân gian khai thác, bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, trong đó tiêu biểu phải kể đến công trình hỗ trợ Nghệ nhân dân gian Nông Văn Nảo viết sách về Tang Ma của người Thái trắng xã Mường So (Phong Thổ) năm 2020”. Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Lai Châu Nguyễn Hải Yến cho biết.

Niềm đam mê nghiên cứu tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc mỗi ngày của ông Chiến

 

     Lật dở kho sách của mình ông Chiến cho biết thêm. Đến nay tôi đã viết được trên 10 cuốn sách với nhiều chủ đề khác nhau về bản sắc văn hóa của người Giấy như: Tri thức dân gian Người Pú Nả (Pú Nả là một nhóm thuộc dân tộc Giấy); Lễ cưới, tang ma, dao duyên ngưới Pú Nả; Then người Pú Nả; Văn hóa ẩm thực người Pú Nả; Từ vựng Pú Nả Việt...

     Bà Đỗ Thị Tấc nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lai Châu cho biết: “Nói về Nghệ nhân Lò Văn Chiến là nói về một tấm gương sáng trong việc nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian người Pú Nả ở Lai Châu. Các tác phẩm của ông luôn nhận được đánh giá cao và sự phối hợp, hỗ trợ của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và Hội Văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ngoài ra ông còn phát hành 03 tập thơ về chủ đề người Pú Nả, viết báo và có nhiều tác phẩm nhiếp ảnh được đăng, treo và đạt giải tại các cuộc thi nhiếp ảnh khu vực và toàn quốc. Hiện tại ông còn là Hội viên tiêu biểu của nhiều tổ chức hội như: Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn nghệ các dân tộc thiểu số, Hội Bảo tồn Di sản, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh...”.

     Mặc dù ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng nếp sống, sinh hoạt của ông Lò Văn Chiến rất điều độ. Hàng ngày sau bữa ăn sáng cùng ly cà phê là ông lại bắt tay vào nghiên cứu, biên tập và viết nên những cuốn sách về bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình. Từ những cố gắng nỗ lực “viết để lưu truyền bản sắc” ấy ông đã được các cấp các ngành tặng nhiều giải thưởng, bằng khen, giấy khen về nhiều thành tích khác nhau như: Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lai Châu lần thứ II năm 2017 với Giải B, tác phẩm “Mua nả mo của người Pú Nả ở Lai Châu”; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu vì đã có thành tích xuất sắc, đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu giai đoạn 2014 – 2019; Bằng khen của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vì đã có thành tích trong công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian...

     Trong cái bắt tay thật chặt khi chia tay chúng tôi và gửi tặng những cuốn sách mới được hoàn thành, ông cho biết thêm: “Với tôi giờ đây các con, cháu đều khôn lớn trưởng thành là điều hạnh phúc nhất; thứ hai là niềm đam mê nghiên cứu tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy thời gian tới tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm và viết nhiều hơn nữa về bản sắc văn hóa của người Giấy nói riêng và các dân tộc khác nói chung để lưu truyền cho con cháu mai sau”.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thăm dò ý kiến
làm sao để có một bức ảnh đẹp
Thống kê truy cập
Hôm nay : 177
Hôm qua : 225