Trong những năm qua, Lai Châu dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương...các cấp, các ngành, nhân dân và lực lượng vũ trang trong tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, công tác xã hội, công tác gia đình đang ngày càng được quan tâm. Trong 15 năm triển khai thực hiện công tác gia đình, Lai Châu đã gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thử thách.
Nhận thấy tầm quan trọng của công tác gia đình, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm quán triệt học tập các văn bản, kiến thức, tổ chức các hoạt động về công tác gia đình. Việc triển khai thực hiện được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở chủ động, sáng tạo lồng ghép trong thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả, phù hợp với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đến nay 100% các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, 100% công chức, viên chức được tuyên truyền quán triệt các văn bản liên quan đến công tác gia đình như: Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/5/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020”; Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” ban hành kèm theo Quyết định số 4843/QĐ-BVHTTDL, ngày 08/12/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... Từ năm 2005-2019, tổ chức 13 hội thi chủ đề về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, 16 giải thể thao cấp tỉnh, ngành, huyện nhân dịp kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam. Hàng năm có 30 xã, phường, thị trấn thường xuyên duy trì tổ chức các hoạt động tuyên truyền gắn với các hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Toàn tỉnh đã tổ chức 54 lớp tập huấn chuyên đề về xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới; trong đó cấp tỉnh: 06 lớp cho 180 lượt cán bộ quản lý; cấp huyện, thành phố 12 lớp tập huấn cho trên 500 lượt cán bộ quản lý; cấp xã, bản 38 lớp cho 2.000 lượt cán bộ xã, bản làm công tác quản lý và thực thi tại cơ sở. Tuyên truyền 4.500m2 tranh cổ động, 1.680 băng zôn; 5.600 khẩu hiệu; 45 ngàn tờ rơi tập gấp; 130 phim phóng sự chuyên đề về gia đình được đăng tải và phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, 15.000 tin, bài, ảnh được đăng tải tuyên truyền; Có trên 90% dân số được nghe và xem các chương trình liên quan đến giáo dục đời sống gia đình. Mỗi năm Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng với các sở, ban ngành đoàn thể đã tổ chức trên 500 buổi tuyên truyền lưu động về các chủ trương, đường lối của Đảng, Chính sách, Pháp luật của Nhà nước về gia đình, về thực hiện nếp sống văn minh. Tổ chức các buổi tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu kiến thức về gia đình, văn hoá, thể thao nhân Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Quốc tế hạnh phúc, Ngày thế giới xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ, ngày 8-3, 20-10 hàng năm, qua đó cung cấp cho người dân trên toàn tỉnh các kiến thức về xây dựng gia đình hạnh phúc, các kỹ năng sống và các văn bản liên quan đến gia đình.
Hội thi Câu lạc bộ gia đình hành phúc tỉnh Lai Châu lần thứ I, năm 2017
Sau 15 năm nỗ lực triển khai tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách, pháp luật, kiến thức về gia đình, nhận thức của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã và đang có những chuyển biến tích cực. Các cấp ủy Đảng và Chính quyền đã và đang có sự quan tâm đúng mức đối với công tác gia đình, đề cao nhiệm vụ xây dựng gia đình vững mạnh trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa. Nhận thức của người dân đối với công tác gia đình không ngừng được nâng cao. Các giá trị văn hóa đạo đức truyền thống gia đình được giữ gìn và phát huy; chất lượng gia đình văn hóa ngày càng cao; số hộ nghèo đã giảm đáng kể. Các gia đình ngày càng tích cực hơn trong việc tham gia vào các hoạt động xây dựng gia đình văn hoá, ấm no, hạnh phúc, phát triển bền vững. Nhờ vậy tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết, ly hôn, hôn nhân với người nước ngoài, bạo lực gia đình giảm hẳn so với trước. Tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu văn hoá, gia đình thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội... không ngừng tăng qua các năm. Tính đến hết năm 2006 toàn tỉnh chỉ có 31.056 hộ gia đình được công nhận danh hiệu văn hoá đạt 56,1%, đến năm 2019, có 78.822 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa đạt 82,5% tổng số hộ gia đình trên toàn tỉnh. Việc tuyên dương khen thưởng gia đình văn hoá hằng năm đã nêu gương sáng cho các gia đình và cộng đồng, cổ vũ, nhân rộng mô hình tiên tiến, góp phần tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào các dân tộc Lai Châu.
Hội thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh Lai Châu lần thứ IV, năm 2016
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình của tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Cấp ủy, chính quyền một số cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác gia đình, nhiều vấn đề bức xúc về gia đình chưa được xử lý kịp thời; Hoạt động quản lý nhà nước về gia đình còn nhiều bất cập vì có nhiều cơ quan cùng thực hiện như: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện công tác quản lý nhà nước về gia đình; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện công tác quản lý trẻ em, bình đẳng giới; Sở Y tế thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống bạo lực gia đình (Tư vấn, chữa trị nạn nhân bạo lực gia đình)… Công tác phối hợp giữa các cơ quan còn hạn chế, chồng chéo dẫn đến hiệu quả công việc chưa cao. Việc tạo việc làm, chuyển hướng ngành nghề cho những hộ gia đình làm nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp chưa có giải pháp hữu hiệu, thiết thực và thỏa đáng. Công tác xóa đói, giảm nghèo ở một số địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, kết quả đạt được chưa vững chắc; Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về gia đình còn hạn chế, các tài liệu cung cấp những kiến thức, kỹ năng về xây dựng gia đình còn thiếu. Mạng lưới dịch vụ tư vấn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở chưa được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về công tác gia đình...
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác gia đình, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia xây dựng gia đình các dân tộc Lai Châu ngày càng no ấm, tiến bộ, hạnh phúc đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập, Bà Tẩn Thị Quế - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo công tác Gia đình tỉnh Lai Châu, trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tích cực tham mưu với Ban Chỉ đạo xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án về công tác gia đình trên địa bàn toàn tỉnh, tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Thực hiện chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho công tác gia đình; chi ngân sách nhà nước cho công tác gia đình theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; ưu tiên nguồn lực cho vùng nghèo, vùng sâu vùng xa; Tiếp tục đẩy mạnh giáo dục, cung cấp cho các thành viên gia đình về chủ trương, chính sách, luật pháp liên quan đến gia đình; kỹ năng sống, trách nhiệm của nam giới đối với công việc trong gia đình, đối với việc bảo đảm quyền của phụ nữ trong gia đình; trách nhiệm thực hiện nếp sống văn minh, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; xây dựng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, giúp đỡ, nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, của dòng họ; tiếp thu các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; cảnh báo các nguy cơ và hậu quả về mất cân bằng giới tính khi sinh; Kiện toàn, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp đủ mạnh để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quản lý, tổ chức thực hiện công tác gia đình; Lồng ghép, phối hợp việc thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và chương trình xây dựng Nông thôn mới, các chiến lược, kế hoạch có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước; Tăng cường kiểm tra việc thi hành luật pháp, chính sách, thực hiện các nhiệm vụ công tác liên quan đến gia đình nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các gia đình, thúc đẩy việc thực hiện nghĩa vụ của các gia đình, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực gia đình. Tổ chức có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng các ngày liên quan đến gia đình như: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3); Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày thế giới xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11)...”.