DI SẢN DÂN VŨ DÂN GIAN DÂN TỘC THÁI Ở LAI CHÂU

DI SẢN DÂN VŨ DÂN GIAN DÂN TỘC THÁI Ở LAI CHÂU

Dân tộc Thái tỉnh Lai Châu có nền văn nghệ dân gian phong phú, đậm đà bản sắc, đáng kể có dân vũ dân gian. Tùy từng nơi, từng trường hợp mà người Thái gọi hình thức dân vũ ấy là “Xé”, 'Xe'... hay 'Mổ'.

Dân vũ dân gian dân tộc Thái có hai loại: một loại là múa thiêng, tiếng Thái gọi là “Xé Pang” hay “Xe Pang”, một loại là múa tục (tức múa vui). Múa tục cũng có hai loại: Một loại là múa vòng tròn, tiếng Thái gọi là “Xé Vóng” (Xòe Vòng) hay “Xé Khắm Khen” (Xòe Nắm Tay) hoặc “Xé Cống” (Xòe Trống). Loại thứ hai là múa đội hình, tiếng Thái gọi là “Mổ” (Múa). Sau này người Kinh đọc chệch 'Xé” với “Xe'... thành Xòe rồi đánh đồng cả 'Mổ' vào đó. Tên gọi “Xòe” từ đó mà thành.

Theo tín ngưỡng dân gian, người Thái cho rằng con người bị ốm là do hồn lìa khỏi xác một thời gian. Muốn khỏi bệnh, người nhà phải nhờ thầy cúng tìm nguyên nhân và cúng cho khỏi bệnh. Vùng người Thái Đen ở một số xã thuộc các huyện Tân Uyên, Than Uyên, thầy cúng được gọi là “một láo” hay “một lao”; ở vùng người Thái Trắng Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè, thầy cúng được gọi là “then”. Ở vùng đệm (các xã Bình Lư, Bản Bo – huyện Tam Đường) lại tồn tại cả “một lao” và “then”.

Theo phong tục của người Thái Đen và người Thái Tam Đường, nếu một lao cúng chữa khỏi bệnh cho ai đó thì người đó trở thành con nuôi của một lao, gọi là “lụ liệng”. Khi “một lao” tạ ơn Then sẽ tổ chức Kin Pang. Vào ngày ấy, tất cả “lụ liệng” phải đến nhà “một lao” góp lễ, góp công và múa lễ (Xé Pang) với nhiều điệu dân vũ chỉ riêng trong “Xé Pang” mới có như Múa rỗ ống (Xe tăng pẳng), múa chọi trâu (Xe tó quai), múa đi cày (Xe thay), múa khỉ ăn chuối (Xe tô nhinh kin má toòng), múa sinh thực khí (Xe quây luông).v.v…

Ở vùng người Thái Trắng, khi sắp vào mùa, nhất là khi các loài hoa bó mạ, bó mạy… nở là lúc vào hội Kin Pang Then. Để chuẩn bị cho Kin Pang Then, ngoài việc chuẩn bị lễ vật (rượu, thịt, hoa quả…), trang trí cây hoa, điện thần… Thầy Then còn phải lựa chọn trong số những 'lụ liệng' ra 12 gái hầu gọi là “xao chạư” từ những cô gái chưa chồng hoặc gái đã có chồng nhưng chưa có con. Các cô gái này được dạy múa lễ và những việc phải làm trong ba ngày diễn ra Kin Pang Then.

Ngày đầu tiên, Thầy Then ngồi hát trước điện thần. Các “xao chạư” ngồi thành hàng ngang sau lưng Thầy Then, bên phải có hai “báo khóa” (trai đánh tính tẩu); bên trái có các Thầy Then khác được mời về dự.

Hát đến đoạn có múa, các “xao chạư” đứng lên múa lễ. Đầu tiên là điệu “Chầu pô” (Chầu vua). Đây là điệu múa mừng Then và các vị khách từ mường Then đến. Thầy Then không tham gia biểu diễn điệu múa này. Điệu múa chấm dứt, thầy Then hát tiếp. Nội dung bài hát kể lại cuộc hành trình lên trời mời Then. Khi thầy Then hát đến câu “Khỏi giang má báo tang Txả háu lên (tôi từ nơi các trai Xá về hầu) thì các “xao chạư” múa điệu 'Tang txả'. Thầy Then mời các ma Xá xuống dọn đường cho quan Then đi. Khi thầy hát đến bài “Nhụm hơ” (đẩy thuyền) thì các “xao chạư” múa điệu đẩy thuyền. Lời ca nói đến một chiếc thuyền hoa ngược sông Ta Khôm, sông Ta Khái khi hoa mạ đang nở; động tác múa lúc này diễn tả cảnh đẩy thuyền trên sông. Khi thầy Then hát “tứn giớ mạ tủn tướng hớn Then (ngựa của tướng nhà Then hãy đứng dậy) thì không có múa nhạc mà chỉ có người đứng ngoài đội hình múa, lắc nhạc bên cạnh những báo khóa diễn tả tiếng nhạc ngựa.

Dân vũ trong lễ hội Then Kin Pang (Phong thổ)

Ngày thứ hai, thầy Then tiếp tục hát mời các vị khách từ trên trời xuống nên các “xao chạư” vẫn múa lại điệu “Chầu pô” mở màn; sau đó đến các điệu “Nả lăng” (Quay ra đằng trước, đằng sau); “Tủm xoong tơ” (Vung khăn hai lần); “Khóa hô” (Vung khăn quan đầu) để mua vui cho các vị khách mường Then… Buổi chiều ngày thứ hai, thầy Then hát tiễn khách về mường Then. Khi thầy Then hát “Bó héo bó mớ co” (Hoa héo hoa về cây) thì các “xao chạư” múa điệu “Quát bó héo” (Quét hoa tàn). Lời ca nói đến việc đưa hoa trở về cây, về thân (hoa sẽ bay về trời), còn động tác múa thì diễn tả việc quét. Cùng với thầy Then, các “xao chạư” múa vòng quanh cây hoa. Động tác quét hoa tàn (bằng khăn múa) ở dạng cách điệu ngụ ý rằng hội vui đã tàn, hãy thu xếp dọn dẹp mọi thứ để bước vào vụ mùa mới.

Ngày thứ ba, người ta nhổ cây hoa và đặt vào chỗ cây hoa vừa bị nhổ một chiếc mâm đồng, trên mâm có bày một bát nước chè, một bát gạo và rượu. Những người dự hội ăn uống, vui chơi, xòe vòng hết ngày hôm đó.

Xòe vòng (còn gọi là Xòe Trống Chiêng) của người Thái xuất hiện từ bao giờ thì không ai biết. Chỉ biết rằng từ xa xưa, trong các dịp Tết Nguyên đán, Kin pang then, mừng nhà mới của người Thái đều có xòe vòng.

Trước giải phóng Điện Biên, ở vùng người Thái Trắng, chỉ có những nhà giàu có mới có trống chiêng. Vào dịp lễ tết, dân muốn đánh trống chiêng thì phải đến xin phép đánh nhờ. Trước năm 1950, Tri châu Phong Thổ Đèo Văn Ân cho dân tụ tập ở sân nhà mình để xòe vòng. Đêm thì treo đèn măng sông cho sáng cả sân múa. Đèo Văn Ân quy định dân phải múa suốt 5 ngày đầu năm (không được dứt tiếng trống chiêng) và tin rằng làm thế thì sang năm mới sẽ gặp may mắn.

Ở những nơi khác, cũng vào dịp Tết, người Thái cũng xòe rất đông vui, thường là trên bãi rộng. Ban đêm giữa bãi có đốt lửa. Một trống lớn và hai chiếc chiêng được treo ở góc bãi. Dân bản nắm tay nhau thành vòng tròn, múa quanh đống lửa. Nếu đông người thì múa thành hai vòng tròn: vòng trong nhỏ, vòng ngoài lớn. Hai vòng xoay ngược chiều nhau. Khi cao hứng thì reo hò, xiết chặt vòng xòe trong tiếng trống chiêng rộn ràng.

Trong lễ mừng nhà mới, những người đến dự hát chúc chủ nhà có nơi ở tốt, chủ nhà khiêm tốn đáp lại rằng nhà sập sệ, không chắc chắn; tức thì mọi người cùng nắm tay nhau vào vòng xòe, dậm chân thật mạnh để chứng minh nhà này rất chắc, nhiều người nhảy múa mà không bị sập, không bị nghiêng.

Xòe điệu của người Thái xuất hiện muộn, những ghi chép cho thấy kiểu Xòe này chỉ xuất hiện ở vùng người Thái (và cả người Tày) vào thời kỳ Pháp thuộc. Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể cho thấy, ở Phong Thổ trước kia, Tri châu Đèo Văn Ân mỗi khi có quan Pháp về công cán thường gọi một số gái xòe đến phục vụ cho các cuộc vui nhảy múa, thời kỳ đầu vẫn là múa theo nhịp trống, về sau mới có “pí kẻo” (kèn loa) đệm theo. Hình thức múa theo đôi nam nữ trong nhà sàn 9 gian lợp ngói, ít nhiều chịu ảnh hưởng của khiêu vũ như tango, waltzes, boston… và múa dân gian của một số dân tộc khác như Hà Nhì, Lào, Lự. Ở Lai Châu, Đèo Văn Long còn xây dựng cả một câu lạc bộ khiêu vũ pha trộn với xòe Thái để tiếp quan Pháp. Các điệu xòe ban đầu được tiếp thu nguyên vẹn 8 điệu xòe Then, sau do pha trộn với, một số trò chơi dân gian Thái, một số điệu vũ quốc tế và múa của một số dân tộc cận cư, sử dụng các đạo cụ dân gian Thái (khăn, quạt, nón, giỏ, chùm sóc nhạc…) mà phát triển lên tới 36 điệu xòe, nay ở Phong Thổ còn duy trì được 33 điệu.

Các đội xòe biểu diễn bán chuyên nghiệp do học hỏi của Xòe Phong Thổ mà lần lượt ra đời chỉ trong 2 năm 1950 - 1951. Sau khi đội Xòe Mường So được thành lập thì đội Xòe Bình Lư do học múa của đội Mường So mà thành. Tiếp theo, đội Xòe Mường Lay mời vợ chồng cụ Hoàng Văn Ẻn ở đội Xòe Mường So (một “báo khóa” và một “xao xé”) về dạy một số điệu xòe Phong Thổ cho họ. Vì thế, đội này coi đội Mường So là đội đi trước, đội đàn anh. Hai vợ chồng cụ Ẻn sau đó còn được Hoàng Yên Chao ở Bắc Hà mời về dạy cho đội Xòe của người Tày cho đến nay còn lưu lại các điệu xòe cổ ở các xã Tà Chải và Na Hối. Tuy học hỏi Xòe Mường So, nhưng Xòe Mường Lay vẫn có bản sắc riêng bởi những sáng tạo mới và một phong cách biểu diễn độc đáo. Những điệu Tó cáy (Chọi gà), Vi bươn hai (Quạt dưới trăng), Cáp bửa xum xay (Bướm lượn) tuy học của Mường So nhưng đội xòe Mường Lay đã phát triển được tính chất vui khỏe của múa nam (tó cáy) và chất nên thơ, duyên dáng của múa nữ (cáp bửa xum xay). Múa nón Mường Lay cũng có một phong cách riêng.

Đội Xòe Mường Chiến ra đời muộn nhất. Một mặt nó tiếp thu một số điệu của Xòe Mường So, mặt khác nó cố gắng vươn lên thành một đội có bản sắc nghệ thuật. Múa quả nhạc mang rõ dấu ấn của Xòe Quỳnh Nhai. Chính những điệu 'Xé Táy Chiến', 'Xé Vi Chiến', 'Xé Cúp Chiến' cho thấy đội Xòe Mường Chiến có tiếp thu Xòe Mường So nhưng nó đã tạo ra được những nét riêng với Xòe Mường So mà đặc điểm nổi bật nhất trong các điệu Xòe Mường Chiến là bước miết chân.

Mặc dù là một tỉnh mới chia tách, còn vô vàn khó khăn. Nhưng công tác bảo tồn di sản Xòe Thái luôn được quan tâm. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch những năm qua đã tích cực tham mưu và triển khai nhiều chương trình, đề tài nhằm phục dựng, bảo tồn đặc trưng văn hóa của các dân tộc ít người, trong đó có di sản Xòe Thái.

Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu đang xây dựng 'Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Lai Châu giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn 2030', trong đó có công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống nói chung, Xòe dân tộc Thái nói riêng. Trong thời gian tới, khi quy hoạch được phê duyệt và thực hiện sẽ là cơ sở để công tác bảo tồn các giá trị văn hóa của Xòe Thái được thực hiện bài bản và gắn kết chặt chẽ hiệu quả bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Tỉnh Lai Châu hiện có 720 đội văn nghệ thôn bản; có tới hơn 90% các bản người Thái có đội văn nghệ. Đó là những 'tổ chức' nòng cốt trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Xòe Thái trong cộng đồng. Các đội văn nghệ hoạt động trên tinh thần tự nguyện là chính. Điều đó chứng tỏ phong trào gìn giữ các điệu xoè truyền thống của dân tộc Thái tỉnh Lai Châu đang được khôi phục, bảo tồn theo hướng tích cực./.

 

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thăm dò ý kiến
làm sao để có một bức ảnh đẹp
Thống kê truy cập
Hôm nay : 127
Hôm qua : 225