Tại Ngày hội Trình diễn Cây nêu và Giao lưu Văn hóa, thể thao và Du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II, năm 2023, đoàn Lai Châu đã giới thiệu tới đông đảo du khách lễ hội Then Kin Pang, lễ hội gắn với cây nêu và là lễ hội liên quan tới mo then lớn nhất của người dân tộc Thái tại tỉnh Lai Châu.

          Vừa qua, từ ngày 23 – 25/11/2023, Ngày hội Trình diễn Cây nêu và Giao lưu VH,TT&DL các dân tộc Việt Nam lần thứ II năm 2023 đã diễn ra tại Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Ngày hội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức.

Ngày hội nhằm giữ gìn, phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc; tôn vinh di sản văn hóa, thiết thực chào mừng 93 năm Ngày Truyền thống-Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2023), kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).

Tại Ngày hội lần này, 6 tỉnh thành tham dự đã mang đến những cái nhìn mới mẻ về cây nêu trong đời sống văn hóa, tâm linh của các dân tộc. Trong đó, đoàn Lai Châu đã giới thiệu lễ hội Then Kin Pang của đồng bào dân tộc Thái tại xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Phần thi do nghệ nhân Lò Văn Vương và bà con người dân tộc Thái tại xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu thực hiện.

Đoàn nghệ nhân, diễn viên tỉnh Lai Châu tái hiện lễ hội Then Kin pang tại Ngày hội Ngày hội Trình diễn Cây nêu và Giao lưu VH,TT&DL các dân tộc Việt Nam.

Tại tỉnh Lai Châu, dân tộc Thái là dân tộc chiếm tỷ lệ lớn nhất trong dân số toàn tỉnh. Người Thái ở Lai Châu có một kho tàng văn hóa truyền thống rất phong phú và đa dạng. Trong đời sống tâm linh, họ tin vào sự tồn tại của mường Then, nơi có Then và tạo bản quan mường, tức là các vị thần cai quản đất, trời, mưa, nắng. Cuộc sống của con người ở trần gian sướng hay khổ là do Then và các tạo ban cho. 

Trong các nghi lễ liên quan đến mo Then của người dân tộc Thái, lễ hội Then Kin pang (tiếng Thái, có nghĩa là Then xuống trần chơi hội cây nêu) là lễ hội lớn nhất, thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa của tộc người Thái. Lễ hội  này được người Thái tổ chức để cầu xin Then và các vị thần mường trời ban cho sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Phần thi được thực hiện bởi nghệ nhân Lò Văn Vương và bà con nhân dân xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.

Trung tâm của lễ hội Then Kin Pang là cây nêu ("sặng pang") được làm từ 1 cây chuối rừng và 2 cây cau rừng ghép lại. Trên đó có: hoa chuối là món yêu thích dành cho linh hồn của các loài thú rừng cùng đến hưởng lộc; hoa tươi và hoa bằng chỉ màu tượng trưng cho núi rừng, bản mường tươi đẹp; những con côn trùng bằng giấy tượng trưng cho cuộc sống no đủ, muôn loài đều có ăn; hai quả trứng nhuộm là đồ chơi yêu thích của thần mưa, thần nắng; các dải vải màu là đạo cụ để đội múa trình diễn phục vụ Then và các vị thần.

Cây nêu trong lễ hội Then kin pang của người Thái ở Lai Châu.

Lễ hội Then Kin Pang của người dân tộc Thái diễn ra từ 1,5 đến 2 ngày. Trong thời gian này, thầy mo Then ngồi trước mâm cúng và bàn thờ Then để hát Then theo tiếng đệm sáo. Lời hát Then tường thuật một hành trình kỳ bí của linh hồn thầy mo then trên đường đi lên mường trời mời Then xuống trần chơi hội, xin Then ban cho sức khỏe, may mắn cho bà con dân bản, mời then thụ lộc và tiễn then về mường trời.

Sau phần hát Then là phần vui hội phục vụ vua quan mường trời, đây cũng là phần náo nhiệt nhất của lễ hội, đoàn con nuôi của Then cùng tập trung xung quanh cây nêu, múa các điệu múa truyền thống của dân tộc. Với người Thái, vua quan mường trời chính là các tạo bản quan mường thưở xưa, ăn uống no say thì phải được xem múa hát. Họ quan niệm ngay khi diễn ra lễ hội này, các vua quan mường trời cũng đang hòa vào sân hội để múa hát cùng các thiếu nữ.

Trình diễn múa khăn tại lễ hội Then Kin Pang.

Trên sân hội, các thiếu nữ còn biểu diễn điệu múa “Tăng bu tăng bẳng”, và điệu sinh thực khí. Trong điệu “Tăng bu tăng bẳng”, họ cùng nhau nện ống tre xuống sàn gỗ tạo thành âm vang lớn giả làm tiếng sấm, cầu mưa cho mùa màng tươi tốt; điệu sinh thực khí mang đậm tính phồn thực phản ánh ước vọng của người Thái về sự sinh sôi nảy nở của muôn loài.

Điệu múa "Tăng bu tăng bẳng" để cầu mưa cho mùa màng xanh tốt.

Lễ hội Then Kin Pang không chỉ mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh mà còn là không gian gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái như: tiếng nói, trang phục, ẩm thực và văn nghệ dân gian. Chơi hội Then Kin Pang là dịp để người Thái ôn lại lịch sử phát triển dân tộc và giáo dục, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho con cháu mình.

Vàng Ly

 

 

 

 

Bài viết liên quan
Thăm dò ý kiến
làm sao để có một bức ảnh đẹp
Thống kê truy cập
Hôm nay : 13
Hôm qua : 320