Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 64 năm 2023 đến với Lai Châu đã mang theo cơ hội quảng bá tiềm năng, thúc đẩy du lịch Lai Châu phát triển. Nắm bắt cơ hội này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã chuẩn bị không gian trưng bày các di sản văn hóa và sân khấu trình diễn văn nghệ dân gian các dân tộc để giới thiệu tới du khách nét đẹp văn hóa các dân tộc, trong đó có dân tộc Giáy.

Mặc dù là một tỉnh xa xôi và còn nhiều khó khăn, song, Lai Châu luôn có tiềm năng rất lớn về du lịch khám phá, trải nghiệm khi tỉnh có tới 20 dân tộc cùng sinh sống. Văn hóa các dân tộc luôn là một ẩn số, hấp dẫn du khách muốn tìm hiểu khi đến với Lai Châu. 

Không gian trưng bày hiện vật dân tộc Giáy tại quảng trường nhân dân tỉnh.

 

Trang phục truyền thống dân tộc Giáy tỉnh Lai Châu

 

Dân tộc Giáy, hay còn gọi là Nhắng, Dẳng, Pú Nả, Cùi Chu, Xạ. Ở Lai Châu, dân tộc Giáy có trên 25 nghìn người (năm 2016), tập trung tại các huyện: Tam Đường, Phong Thổ, Tân Uyên và thành phố Lai Châu. Người Giáy có lịch sử phát triển lâu đời cùng đời sống văn hóa rất phong phú. Họ được biết đến với lễ cưới đặc sắc, cô dâu trùm khăn đỏ khi về nhà chồng. Phụ nữ Giáy có đôi bàn tay khéo léo, họ tự dệt may áo, quần, mũ, khăn và khâu giày vải để sử dụng. Họ còn làm ra nhiều món ăn ngon nổi tiếng như khâu nhục (món thịt ba chỉ hấp nhừ với rau cải chua), các loại bánh bỏng, bánh rán, bánh bò, bánh khảo, bánh phở, bánh dày…  Các sản phẩm ẩm thực của người Giáy Lai Châu đã gắn liền với hình ảnh chợ phiên San Thàng, địa điểm du lịch được nhiều du khách biết đến. Được giới thiệu trong những ngày diễn ra giải chạy quy mô cấp quốc gia, các món ăn của người Giáy lại càng được nhiều người biết đến.

Du khách xem phụ nữ Giáy dệt vải.

 

Ngoài trưng bày hiện vật văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tổ chức tái hiện lại nhiều hoạt động sinh hoạt, lao động sản xuất thường ngày của người dân như dệt vải, thổi kèn pí kẻo, khâu áo, giá bánh giày... 

Thực hành làm bánh phở dân tộc Giáy tại không gian trải nghiệm ẩm thực dân tộc.

 

Giã bánh giày (người Giáy gọi là "Giáy đạch hau xí") mt trong những nét đẹp văn hóa của người Giáy ở Lai Châu. Người Giáy thường giã bánh giày vào tháng 9 âm lịch, bằng chính gạo mùa mới thu hoạch để ăn mừng cơm mới. Để làm bánh giày, bà con chọn loại gạo nếp nương thơm và dẻo. Gạo mang vo sạch, ngâm nước ấm khoảng 12 giờ đồng hồ rồi để ráo nước, đem đồ chín trong chõ gỗ. Xôi chín dược cho vào cối giã thật nhuyễn. Chày và cối giã bánh được làm bằng gỗ dày, mịn, có mùi thơm. Trước khi giã, chày phải được ngâm vào nước để chống dính. Bánh giã càng kỹ thì càng dẻo, ngon và để được lâu.

Bà con dân tộc Giáy tỉnh Lai Châu giã bánh giày phục vụ du khách đến tham dự Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 64 năm 2023
Chị em phụ nữ Giáy nặn bánh giày.

 

Người Giáy có đời sống tâm linh phong phú. Hát Then đối với họ là cách để giao tiếp với thế giới tâm linh. Người Giáy thường tổ chức hát Then vào đầu năm để cầu may mắn, sức khỏe trong năm mới. Hát Then cũng góp phần giáo dục nhân phẩm, giúp con người hướng tới lối sống tốt đẹp.

Tiết mục hát Then do các nghệ nhân đến từ xã San Thàng và phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu biểu diễn.

 

Ngoài dân tộc Giáy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu còn trưng bày nhiều hiện vật văn hóa và trình diễn nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc của dân tộc Mông trên địa bàn. Với những hoạt động trên, Sở đã khẳng định vai trò tiên phong của mình trong việc quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh; đồng thời, góp phần giúp Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong năm 2023 không chỉ là một giải đấu mà đã thực sự trở thành một ngày hội để toàn dân được tận hưởng không gian văn hóa đầy bản sắc và tình đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng thắt chặt.

Vàng Ly

         

Bài viết liên quan
Thăm dò ý kiến
làm sao để có một bức ảnh đẹp
Thống kê truy cập
Hôm nay : 44
Hôm qua : 303