Thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong hai ngày 26 - 27/3/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức Chương trình biểu diễn nghệ thuật trình diễn dân gian, ngữ văn dân gian dân tộc Si La tại huyện Mường Tè và dân tộc Mảng tại huyện Nậm Nhùn năm 2024.

   Chương trình nhằm thực hiện có hiệu quả việc khôi phục, bảo tồn, phát huy, quảng bá các giá trị văn hoá, văn nghệ dân gian truyền thống dân tộc Mảng, dân tộc Si La; đồng thời, đây cũng là dịp để các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ quần chúng dân tộc Mảng, dân tộc Si La được biểu diễn, thể hiện những lời ca, tiếng hát, điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc mình.

     Dân tộc Mảng và dân tộc Si La là hai thành viên trong cộng đồng 20 dân tộc của tỉnh Lai Châu và là hai trong số những dân tộc đặc biệt, có dân số dưới 10.000 người được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Dù sống chung với các dân tộc đa số khác trên địa bàn, người Mảng và người Si La vẫn có bản sắc văn hoá riêng, rất phong phú và đặc sắc. Khi các lớp truyền dạy văn nghệ, văn học nghệ thuật dân gian, các chương trình phục dựng lễ hội được tổ chức đã thu hút đông đảo người trẻ dân tộc Mảng và Si La tham gia. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy chỉ cần tình yêu văn hoá dân gian và lòng tự hào dân tộc của người dân được khơi dậy, văn hoá dân tộc Mảng và dân tộc Si La sẽ luôn được gìn giữ và phát huy trong tương lai.    

    Chương trình biểu diễn nghệ thuật trình diễn dân gian, ngữ văn dân gian dân tộc Si La tại huyện Mường Tè năm 2024

     Chương trình biểu diễn nghệ thuật trình diễn dân gian, ngữ văn dân gian dân tộc Si La tại huyện Mường Tè năm 2024 được tổ chức tại xã Can Hồ, có đồng chí Giàng A Lềnh, Ủy viên BCH  huyện ủy, Trưởng phòng Văn hóa huyện Mường Tè cùng lãnh đạo các ban, ngành đoàn thể xã đến dự. 

     Tại chương trình, hai đội văn nghệ của bản Seo Hai và bản Sì Thâu Chải đã mang đến 11 tiết mục dân ca, dân vũ đặc sắc của dân tộc như: hát ru, hát dân ca “Bì khứ dò dừ”, “Xồ xồ mố bi xô ì xô”, “Pơ khị pơ lơ”; múa “Nhăm nhăm bơ”. Ngoài ra, các nghệ nhân, diễn viên còn tái hiện 02 nghi lễ truyền thống của dân tộc là lễ Mừng cơm mới và nghi lễ đón dâu trước lễ cưới.

Trình diễn nghi lễ Mừng cơm mới của người Si La do nghệ nhân Bờ Chà Nhau cùng các diễn viên bản Sì Thâu Chải thể hiện.

 

Tiết mục hát dân ca Si La "Bì khứ dò dừ", "Xồ xồ mố bi xô ì xô", "Nhăm nhăm bơ".
Tiết mục múa "Nhăm nhăm bơ".
Nghệ nhân ưu tú Hù Cố Xuân trình diễn hát ru và kể chuyện Cội nguồn Si La, sự ra đời của dòng họ Hù.
Tiết mục múa "Pơ khị pơ lơ".
Trình diễn nghi thức đón dâu mới của người Si La do các diễn viên đến từ bản Seo Hai thể hiện.
Nghi thức đón cô dâu mới của người Si La.
Trình diễn trang phục đi chơi tết và trang phục cô dâu chú rể người Si La.
Vòng xòe Si La với sự tham gia của các đại biểu đã kết thúc chương trình biểu diễn.

       Chương trình biểu diễn nghệ thuật trình diễn dân gian, ngữ văn dân gian dân tộc Mảng tại huyện Nậm Nhùn năm 2024

      Chương trình biểu diễn nghệ thuật trình diễn dân gian, ngữ văn dân gian dân tộc Mảng tại huyện Nậm Nhùn năm 2024 được tổ chức tại xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn. Tới dự chương trình có đồng chí Vũ Tiến Hóa, Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn; đồng chí Vương Vĩ Thọ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, cùng đông đảo các đồng chí cán bộ, công chức, bà con nhân dân hai xã Nậm Pì và Trung Chải, huyện Nậm Nhùn.

Các đại biểu dự Chương trình.

      Phát biểu tại Chương trình, đồng chí Vũ Tiến Hoá, Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: Dân tộc Mảng ở Lai Châu có dân số rất thấp, chỉ hơn 5.600 người, chiến 1,26% dân số toà tỉnh. Dù sống chung với các dân tộc đa số khác trên địa bàn, họ vẫn có một bản sắc văn hoá riêng, rất phong phú và đặc sắc. Khi các lớp truyền dạy văn nghệ, văn học nghệ thuật dân gian, các chương trình phục dựng lễ hội được tổ chức đã thu hút đông đảo người trẻ dân tộc Mảng tham gia. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy chỉ cần tình yêu văn hoá dân gian và lòng tự hào dân tộc của người dân được khơi dậy, văn hoá dân tộc Mảng sẽ luôn được gìn giữ và phát huy trong tương lai.

Đồng chí Vũ Tiến Hoá, Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn.

    Chương trình biểu diễn có sự tham gia của hai đội văn nghệ đến từ hai xã Nậm Pì và Trung Chải, gồm các tiết mục dân ca, dân vũ, dân nhạc tiêu biểu, đặc sắc nhất như hát "xỏong", múa khăn, múa giã gạo, múa hái rau, thổi sáo dài "lỏm lọm". 

Nghệ nhân Tào Me Tướng của đội VNQC xã Trung Chải với tiết mục hát dân ca Ca ngợi quê hương đất nước.
Tiết mục múa "Châu la dỉ" (Đi hái rau) của đội VNQC xã Nậm Pì.

 

Tiết mục múa Giã gạo ngày mùa của đội VNQ xã Nâm Pì.
Đội VNQC xã Trung Chải trong tiết mục múa "Dệt vải".
Độc tấu sáo "Tiếng sáo đưa tình", biểu diễn: nghệ nhân Lý Thị Siến đến từ xã Nậm Pì.

          Tại chương trình, các nghệ nhân, diễn viên còn trình diễn trang phục truyền thống và tái hiện các nghi thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng đặc sắc của người Mảng như Lễ mừng cơm mới, lễ đón dâu.

       Nghi lễ đón dâu là một nghi lễ đặc biệt trong đám cưới của người dân tộc Mảng. Để thực hiện nghi lễ này, nhà trai gồm ông mai, ông phụ lễ, chú rể và bạn bè và họ hàng chú rể phải mang lễ vật đến nhà gái trước một ngày, ngủ lại đây một đêm. Sáng ngày đón dâu, nhà gái đã mời họ hàng, làng xóm đến ăn cỗ cưới. Riêng ở trong nhà, quan viên hai họ tập trung quanh một mâm lễ gồm thịt gà, xôi và rượu để làm lễ đón dâu. Khi mọi người đã đông đủ, ông mai dẫn chú rể đến trước mặt bố mẹ vợ quỳ xuống xin nhà gái đón dâu. Sau khi được nhà gái chấp thuận, ông mai và chú rể cúi đầy lạy bố mẹ và toàn thể họ hàng cô dâu. Điều đặc biệt trong nghi thức này là phía nhà trai, đặc biệt là những người đàn ông, phải giữ tư thế quỳ trước nhà gái và phải cúi lạy tất cả mọi người bên nhà gái, kể cả trẻ em; đồng thời, phải gọi họ là bố, mẹ để thể hiện sự kính trọng đối với nhà gái. Bố cô dâu lấy con gà trên mâm đã được buộc sẵn lạt đeo vào cổ ông mai và cho một nắm xôi vào túi của người phụ lễ. Hành động này thể hiện sự chào đón, sẵn sàng đối đãi của nhà gái đối với nhà trai trong tương lai. sau đó, hai bên hát đối đáp qua lại. Trước khi nhà trai ra khỏi nhà, nhà gái thường giữ nhà trai lại để bôi nhọ nồi lên mặt mọi người trong đoàn nhà trai. Đây là cách người Mảng trêu đùa nhau, tạo tiếng cười cho đám cưới được may mắn.

Các nghệ nhân, diễn viên xã Nậm Pì tái hiện lễ đón dâu của người dân tộc Mảng.

 

Người Mảng có truyền thống canh tác lúa từ lâu đời. Trước khi bắt đầu vụ thu hoạch, bà con thường tổ chức lễ Mừng lúa mới để dâng lên tổ tiên cơm gạo mùa mới, báo cáo thành quả của một năm lao động sản xuất, xin tổ tiên và các vị thần đất, thần trời tiếp tục phù hộ cho một năm tiếp theo mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ. Buổi sáng ngày làm lễ, bà con dân bản tập trung về nhà thầy cúng để chuẩn bị. Mâm lễ của họ có 1 con gà trống, con lợn, rượu, cá và xôi, rau. Trong đó, xôi được đồ từ gạo mùa mới mà bà con đã thu hoạch tạm trước đó mấy ngày để làm lễ. Sau khi khấn, thầy cúng tiến hành xem bói đầu gà và chân gà để xem con gà lễ báo hiệu một năm lao động tiếp theo của bản có được thuận lợi hay không. Người Mảng quan niệm, sọ gà tròn đều, trắng đẹp và các ngón chân gà chụm đều vào nhau là dấu hiệu tốt, năm sau cả bản sẽ được mùa hơn, có nhiều thóc gạo hơn. Nghi lễ kết thúc, cả bản cùng ăn uống và giao lưu hát múa các bài dân ca, dân vũ của dân tộc.

Các nghệ nhân, diễn viên xã Trung Chải tái hiện lễ mừng lúa mới của người dân tộc Mảng.

 

Vàng Ly.

Thăm dò ý kiến
làm sao để có một bức ảnh đẹp
Thống kê truy cập
Hôm nay : 225
Hôm qua : 315