Trong thời gian gần đây, những tour du lịch mang đậm nét văn hóa truyền thống tại những làng/bản thuộc khu vực miền núi phía Tây Bắc đang là một trong những điểm đến thú vị được nhiều du khách lựa chọn. Đây được xem như là một trong những tín hiệu đáng mừng cho du lịch Lai Châu bởi tỉnh đã và đang sở hữu những giá trị văn hóa đặc sắc của 20 dân tộc, đặc biệt là văn hóa độc đáo của người Lự.

          Việt Nam nổi tiếng là một bức tranh đa văn hóa với sự gắn kết của 54 dân tộc thì Lai Châu là một trong những mảnh ghép không thể thiếu để tạo nên sự hoàn chỉnh trong bức tranh đó. Lai Châu được đánh giá là một tỉnh có thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa. Trong đó phải kể đến Bản Hon một trong những điểm đến in đậm dấu ấn của văn hóa dân tộc Lự. Trong kho tàng Văn hóa truyền thống của người Lự tại Bản Hon – Tam Đường có những nét đặc sắc như: kiến trúc nhà sàn, trang phục, ẩm thực, nghề truyền thống...

           Kiến trúc nhà Sàn là một trong những nét đẹp thể hiện sự tinh tế của người Lự.  Nhà sàn của người Lự thường có hai mái phía sau ngắn, còn mái phía trước kéo dài xuống che cho cả hàng hiên và cầu thang lên xuống. Cửa chính thường quay mặt về phía Tây Bắc. Nhà của người Lự thường có hai bếp lửa, một bếp để nấu ăn cho gia đình hàng ngày và một bếp dùng để đun nước mỗi khi khách tới thăm nhà. Đây cũng là một trong những điều thú vị trong quan niệm xây nhà của người Lự.

           Trang phục truyền thống của phụ nữ Lự rất ấn tượng với những đường nét hoa văn rất độc đáo. Váy của phụ nữ Lự thường được trang trí họa tiết hình răng cưa với những đường viền thêu ngang váy. Váy của phụ nữ Lự thường được chia làm 3 gam màu chính, màu đỏ nâu ở phía trên cạp xuống phía đầu gối, ở giữa là các đường viền ngang màu vàng, xanh hoặc đen, phía dưới váy là màu đen, màu sắc trên váy chủ yếu là vàng và chàm. Áo của phụ nữ Lự cũng rất khác biệt so với các dân tộc khác. Họ thiết kế áo theo kiểu áo xẻ nách chéo, đường viền của cổ áo thường được trang trí bởi các loại họa tiết hoa văn hình quả trám. Họ thường mặc áo chàm và váy chàm nhiều lớp, lớp ngoài thường ngắn hơn lớp trong. Phụ nữ Lự thường đội chiếc khăn hơi lệch về phía trái, họ còn hay đeo các loại vòng cổ bằng bạc để làm điểm nhấn cho bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Điều đặc biệt là những trang phục truyền thống vẫn được chị em phụ nữ Lự mặc trong sinh hoạt thường nhật.

 

 Du khách tham quan tại Bản Hon, Tam Đường

         Người Lự còn lưu giữ nghề trồng bông dệt vải. Phụ nữ Lự có bàn tay khéo léo, họ thường tự may hoặc dệt những trang phục như váy áo, khăn, túi. Các loại túi được trang trí các loại họa tiết hoa văn hình quả trám, hình chân chim với nhiều kích cỡ khác nhau. Đây chính là một trong những sản phẩm để chúng ta khai thác tạo ra sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền để phát triển du lịch, mang lại thu nhập cho bà con, hướng tới xóa đói giảm nghèo theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

            Có một nét văn hóa đặc sắc của người Lự mà chúng ta không thể không nhắc đến đó là tục nhuộm “Răng đen” một trong những nét văn hóa mang tính điểm nhấn của phụ nữ nơi đây. Người Lự thường lên rừng lấy cây mẹt, cây xuyến cắt thành từng khúc nhỏ, đem đốt, sau đó, lấy ống tre chụp khói, rồi dùng khói chà răng khoảng vài lần là có một bộ răng đen bóng. Nụ cười tươi tắn với hàm răng đen bóng khỏe, điểm xuyết một vài chiếc răng bọc vàng giả đã để lại bao lưu luyến trong lòng du khách.

Không chỉ có vậy, văn hóa của người Lự còn được thể hiện qua nhiều phương diện khác như: những làn điệu dân ca khỏe khoắn mà không kém phần trữ tình, đằm thắm. Chính những làn điệu dân ca đó đã trở thành động lực để họ phấn đấy trong lao động sản xuất cũng như vui chơi giải trí. Người Lự họ rất yêu văn nghệ, khi có khách đến chơi, họ sẵn sàng thổi sáo, thổi khèn, chơi đàn nhị, chơi trống…Chính những điều đó là một trong những tài sản tinh thần quý báu mà người Lự vẫn lưu giữ đến tận ngày nay và nếu khai thác những giá trị văn hóa của người Lự để phát triển du lịch cộng đồng thì đây cũng là một trong những điểm mạnh và có sức hút đối với khách du lịch.

            Ẩm thực cũng là một trong những nét văn hóa của người Lự mà chúng ta cần đề cập đến với những món ăn đặc trưng mang tính vùng miền như: Thịt lợn quay, thịt lợn nướng, món canh gà nấu gừng, canh măng, canh rêu đá, canh rau rớn, cá nướng, cá rán... rất độc đáo.

           Tất cả những giá trị văn hóa truyền thống mà người Lự còn lưu giữ đến tận ngày nay sẽ là điều hấp dẫn, thu hút khách du lịch và khi chúng ta có thể tận dụng những lợi thế đó để phát triển du lịch cộng đồng thì việc giúp người dân xóa đói giảm nghèo là điều có thể trong một tương lai gần.

          Chính vì xác định được thế mạnh của du lịch tỉnh trên tuyến du lịch Vòng cung Tây Bắc chính là “du lịch cộng đồng” nên tỉnh rất coi trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của một số dân tộc ít người trong đó đáng chú ý là dân tộc Lự. Chúng ta có thể xem phát triển du lịch cộng đồng bền vững là một trong những phương tiện để đánh thức làm trỗi dậy những giá trị văn hóa đang bị lãng quên hoặc mai một theo dòng thời gian, từ đó góp phần vào việc xây dựng hình ảnh văn hóa du lịch Lai Châu nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung.

             Khi chúng ta có thể gìn giữ được những giá trị văn hóa đó qua nhiều thế hệ, thì việc khai thác những giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch bền vững tại địa phương giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất mà họ đang gieo mầm là điều khả thi.

Thăm dò ý kiến
làm sao để có một bức ảnh đẹp
Thống kê truy cập
Hôm nay : 138
Hôm qua : 250