TẾT CỔ TRUYỀN CỦA NGƯỜI LA HỦ

TẾT CỔ TRUYỀN CỦA NGƯỜI LA HỦ

         Trước kia, mỗi khi hoa ị pư ra mọ (hoa chó đẻ) nở (khoảng tháng mười một, tháng chạp âm lịch), các gia đình đã hoàn thành việc thu hoạch là lúc các dòng họ người La Hủ chuẩn bị đón Tết. Thời gian ăn Tết của người La Hủ kéo dài 3 ngày, ngày đầu tiên bao giờ cũng là một trong các ngày Hợi, ngày Ngọ, hoặc Tỵ và phải tránh ngày Dần, tránh tuần trong bản có người chết, tránh ngày chết của bố mẹ.

          Sáng sớm ngày thứ nhất, các gia đình tất bật làm bánh dày và mổ lợn đón Tết. Bánh dày được người La Hủ làm từ gạo nếp nương. Gạo được ngâm với nước ấm từ 1 đến 2 giờ đồng hồ rồi vớt gạo ra cho ráo; sau đó cho vào chõ hông chín rồi giã đều đến khi mịn và dẻo là được. Bột nếp chín được nhào thêm cho nhuyễn rồi viên thành bánh tròn và dẹt đường kính khoảng 30cm, dày ≈ 1 đốt ngón tay, ban đầu làm tròn sau đó cắt đi một góc nhỏ hình trăng khuyết. Bánh này chỉ dành cho những người trong gia đình và dòng họ, không dành cho người ngoài. Khách đến chơi nhà được gia chủ tiếp bằng bánh trôi, bánh chưng.

          Ngoài bánh dày, người La Hủ còn đón Tết bằng thịt lợn. Lợn được thịt trong dịp Tết phải là lợn đực, khỏe mạnh, lông đen và thưa đều, bốn chân cân đối, hai tai vểnh. Lợn trước khi bị chọc tiết sẽ được chủ nhà lợn “ăn Tết” trước 3 viên bánh trôi đặt lên mép lợn, rót một chén rượu rồi dùng một tay vạch mép lợn, tay kia cầm chén rượu rót vào mõm lợn 3 lần, đồng thời vỗ vào đầu lợn, miệng khấn: “năm nay 1 tạ, sang năm 2 tạ, sang năm nữa 3 tạ”. Người ta tin rằng làm lý như vậy sẽ giúp cho lứa lợn tới sẽ đầy đàn, mau ăn, chóng lớn, mạnh khoẻ, không bị dịch bệnh.

Khi pha thịt lợn, người ta xẻ phần bụng từ xương ức cho tới sát hậu môn sao cho thành một hình chữ nhật để tượng trưng cho đất; phần đuôi được khoét vào hai bên hông thành một hình tròn tượng trưng cho mặt trăng. Lá gan lợn là vật để xem vận hạn của gia đình trong năm tới, gia chủ một tay cầm một chiếc đũa đặt nằm ngang lên mặt lá gan rồi vừa hơi ấn vừa gạt gạt qua bên nọ rồi lại bên kia để những tia máu dưới bề mặt lá gan ấy hằn rõ lên. Nếu các tia máu đó liền mạch và đỏ tươi là tốt. Nếu có tia đứt thì năm ấy gia đình sẽ có người gặp hạn nặng. Nếu các tia máu không có màu đỏ tươi thì việc làm ăn của gia đình sẽ kém.

           Sáng ngày thứ hai của Tết cổ truyền, khi gà mới gáy canh một, bà vợ người gia trưởng đã đi lấy nước tinh khiết đầu nguồn về làm cơm cúng tổ tiên. Khoảng 5 giờ sáng, thành viên các gia đình tề tựu ở nhà gia trưởng (người giữ ban thờ) để dự lễ cúng. Người La Hủ quan niệm, cúng tổ tiên thì phải cúng sớm để tổ tiên ăn rồi về cho kịp trước khi trời tối. Lễ vật dâng cúng có cơm, thịt lợn và bánh dày (có gia đình chỉ cúng cơm tẻ) được bày trên cái mâm nhỏ đan mắt cáo hoặc cái mẹt đặt ở đầu giường ngủ của vợ chồng gia chủ. Ông chủ nhà quỳ trước mâm lễ chắp tay kính cẩn khấn tổ tiên: 'cho tốt cả ba loại lương thực, ba lớp người, ba lứa vật nuôi'.

Trong những ngày Tết cổ truyền, buổi sáng (từ sáng sớm đến 12 giờ trưa) diễn ra các nội dung: chuẩn bị thực phẩm, cúng tổ tiên và liên hoan tiệc rượu tại các gia đình. Theo phong tục của người La Hủ, trong ngày đầu tiên của Tết cổ truyền, chỉ những người trong dòng họ (cùng chung tổ tiên một đời) đến nhà đặt ban thờ tổ tiên chúc Tết. Nhưng sau 12 giờ trưa, cả bản trở lên nhộn nhịp, đường mòn trong bản lúc nào cũng có những tốp người đến chúc Tết nhà nhau. Đám con gái thì sặc sỡ với bộ trang phục mới diện Tết, cười nói rôm rả. Cánh đàn ông con trai người thì mặt đỏ tưng bừng. người thì loạng choạng, siêu siêu vẹo vẹo vì say rượu nhưng vẫn cười nói, vui đùa. Chiều hôm ấy và cả ngày hôm sau (ngày thứ ba của Tết cổ truyền), nhà nào cũng vậy, từ người già cho đến thanh niên đều đi chơi hết các nhà trong bản và các bản khác. Ai nấy cũng đến mỗi nhà ngồi một tí, khách và chủ uống với nhau vài đôi lượt rượu, chúc cho nhau những lời chúc tốt lành. Cứ như thế đến tối. Vì uống nhiều rượu như vậy nên trong những ngày này rất nhiều người say nhưng không hề có chuyện cãi vã, to tiếng, xô sát sảy ra. Cả bản tưng bừng với các trò chơi dân gian và các điệu múa truyền thống trong tiếng trống chiêng rộn ràng.

Buổi tối, sau bữa cơm, những người già và cánh đàn ông con trai cùng họ (cùng chung ban thờ) cùng nhau ngồi quây quần bên nhau để nghe người già truyền lại gia phả của dòng họ cho con cháu để không bị mất gốc.

            Trong 3 ngày Tết, người La Hủ kiêng sát sinh chó, dê vì dó là những con vật gần gũi, thân thiết với người La Hủ nếu giết chúng trong ngày Tết thì năm ấy các gia đình trong dòng họ sẽ gặp xui xẻo. Trong những ngày Tết, khi quét nhà, người La Hủ không vứt rác ra ngoài mà ủ vào một góc. Hết Tết, họ mới bỏ rác đi.

            * Cùng với các dân tộc trong cả nước, người La Hủ nay đã đổi lịch ăn Tết sang Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, các tập quán truyền thống của tộc người trong Tết cổ truyền vẫn được duy trì. Nhờ đó, bản sắc văn hóa của đồng bào vẫn được bảo lưu trong điều kiện hội nhập và phát triển./.

 

 

Thăm dò ý kiến
làm sao để có một bức ảnh đẹp
Thống kê truy cập
Hôm nay : 334
Hôm qua : 346