Dân tộc La Hủ ở Mường Tè có 9.731 người, chỉ chiếm 2,6% dân số của tỉnh[1]. Mặc dù có đời sống khó khăn nhưng dấu ấn tộc người cùng các đặc trưng văn hóa vẫn hiện lên sống động trong các phong tục, lễ nghi của đồng bào. Phong tục dựng nhà của người La Hủ cũng không nằm ngoài nét đặc trưng đó. [1]. Báo cáo 2010 của UBND tỉnh Lai Châu  

Ngôi nhà truyền thống của người La Hủ là nhà trệt thưng vách cột chôn, tiếng La Hủ gọi là sờ dề. Vật liệu làm nhà chủ yếu là các loại gỗ dổi (pạ lô chè), gỗ ngứa (a dô chè), gỗ dẻ (si chè)… để dựng cột, cỏ ganh (giơ the) để lợp mái, các loại dây rừng (a chá) như dây mây (gô gia chè), dây song (gô ma chè), dây gai (hô khe chè), dây sắn rừng (chi cú tê)… để cố định các cấu kiện của ngôi nhà. Công cụ làm nhà cũng đơn giản, chỉ có con dao (a khô) và cái rìu (là bá). Thợ làm nhà không ai khác, chính là những người cùng bản.

Để biết mảnh đất dự định làm nhà có ở được hay không, gia chủ phải bói (trsạ cha) bằng cách đào ba cái hố gần nhau, khoảng cách của mỗi hố cỡ khoảng một sải tay, đường kính miệng hố khoảng 6 – 7 cm, sâu khoảng 4 – 5 cm, nèn chặt đáy hố, bỏ xuống mỗi hố ba hạt thóc chụm đầu vào nhau rồi lấy lá xanh đậy lại. Lát sau, gia chủ lật lá ra xem nếu các hạt gạo ở cả ba hố còn đủ và không bị suy chuyển là tốt, đất ở được.

Việc dựng nhà của người La Hủ được bắt đầu từ việc dựng vì cột (dề khư). Người ta dùng dây mây (gô gia chè) hoặc một thân cây tre nhỏ (va chè) để đo và xác định các vị trí đặt cột. Sau đó, người ta dùng các cọc tre ngắn (≈ 30 - 40 cm) vót nhọn một đầu đóng xuống để đánh dấu. Hàng cột nhà được dựng bắt đầu từ cột thiêng (dề ma khứ). Việc này phải do đích thân gia chủ thực hiện. Cột thiêng dựng xong, người ta sẽ lần lượt dựng các cây cột còn lại của ngôi nhà, ban đầu là các hàng cột thuộc bộ vì chính (bộ vì có cây cột thiêng đầu tiên); sau đó người ta mới dựng đến bộ vì đối diện để hoàn thành gian giữa; tiếp theo mới là các bộ vì hai bên. Tiếp đó, người ta luồn các thanh quá giang (lạ hô tu) để kết nối các cây cột theo từng bộ vì; rồi tiếp đó là luồn các thanh xà (chô hoa) kết nối các hàng cột thuộc các bộ vì khác nhau. Kỹ thuật ráp nối các thanh quá giang và các thanh xà trước đây thường được áp dụng kỹ thuật mắc ngoàm (sớ ca) rồi dùng lạt giang hoặc dây rừng buộc cố định (á cha sợ).

Bộ khung chịu lực của kiểu nhà cột chôn của người La Hủ có kết cấu vì nửa kèo – nửa cột, thường được làm hai gian, có thêm hai chái nhỏ. Cửa ra vào (ga mì) được mở ở phía hồi. Lòng nhà có diện tích hẹp. Kết cấu khung nhà đơn giản với vì hai hoặc ba cột. Ở vì giữa hoặc vì hồi – phía đối diện cửa ra vào bao giờ cũng có thêm một cây cột thiêng (dề ma khứ) được chống thẳng lên đòn nóc (sang phả tu hô). Cây cột này có thể không được liên kết trực tiếp với quá giang (lạ hô tu).

Bộ mái được tiến hành với các công đoạn đặt xà gồ, còn gọi là đòn nóc (nhu ma đô), đặt kèo (chô hoa), đặt rui (dề kho ha), giăng mè (đa me) và cuối cùng là xếp các phên gianh lợp (giơ the) và buộc chặt vào các thanh mè theo hướng ngọn cỏ gianh thả xuống chân mái.

Vách nhà của người La Hủ thường được thưng bằng những thân cây nứa đập giập, đan thành những tấm phên theo kiểu đan lóng đôi, cũng có nhiều nhà đan lóng mốt. Để giữ cho vách đứng, phẳng, người ta dùng những thanh tre và đinh tre cố kết chặt tấm phên vào các cây đố.

Sau khi đặt bếp và ban thờ xong là lúc lễ lên nhà mới được tiến hành. Chủ nhà sửa một mâm cúng tổ tiên gồm có: 1 bát cơm, 1 rổ thóc, 2 cái chén và 1 con lợn (khi cúng đồ sống chỉ đặt 1 nhúm lông vì người La Hủ có tục kiêng mang đồ sống vào gian thờ). Đồ lễ được đặt trên một cái mâm đan mắt cáo hoặc mẹt để trên đầu giường ngủ của gia chủ. Chủ nhà quì lạy ba lạy rồi cất lời khấn: “Con cháu cầu ông bà về phù hộ cho con cháu mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu, vật nuôi phát triển”. Lễ cúng lần thứ hai là cúng đồ chín (khi đã luộc xong con lợn, nấu xong cháo). Nội dung bài khấn đồ chín có đoạn: “Con cháu cúng ông bà rồi. Ông bà ăn xong thì hãy về nơi ở. Khi nào con cháu gọi thì ông bà về đây nhé!”.

Sau lễ cúng, gia chủ mời mọi người dùng rượu thịt và cảm ơn mọi người đã giúp đỡ gia đình làm nhà. Mọi người nâng chén chúc mừng gia chủ có được căn nhà mới. Sau đó, tất cả cùng vui tiệc rượu liên hoan. Cuộc vui kéo dài tới khuya

.

Ngôi nhà truyền thống của người La Hủ

Thăm dò ý kiến
làm sao để có một bức ảnh đẹp
Thống kê truy cập
Hôm nay : 243
Hôm qua : 180