DU LỊCH LAI CHÂU TỪNG BƯỚC CHUYỂN MÌNH

DU LỊCH LAI CHÂU TỪNG BƯỚC CHUYỂN MÌNH

     Đến Lai Châu hôm nay, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những cảnh quan hùng vĩ như Quần thể danh thắng động Pusamcap, Thác Tác Tình,  khu du lịch sinh thái Cầu kính Rồng Mây, bản du lịch cộng đồng kiểu mẫu Sin Suối Hồ mà còn được khám phá những nét độc đáo của vùng đất này qua những phiên chợ vùng cao, chợ đêm hấp dẫn… Đây là điều kiện thuận lợi để Lai Châu phát triển du lịch, từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Tây Bắc.

Động Pusamcap - thành phố Lai Châu

Ảnh: Khắc Kiên

Thác Tác tình - huyện Tam Đường

Ảnh: Nguyễn Huế

     Để khai thác những tiềm năng sẵn có của tỉnh, góp phần vào sự phát triển chung du lịch Việt Nam. Ngày 03/6/2004 Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã ban hành Quyết định số 14/QĐ-UBND về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Thương mại – Du lịch tỉnh Lai Châu. Từ đó, du lịch Lai Châu bắt đầu đi vào hoạt động. Năm 2008 thực hiện Quyết định số 556/QĐ-UBND ngày 22/4/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu về việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thì du lịch chuyển về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

     NHỮNG CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

     Mặc dù có xuất phát điểm thấp so với khu vực và cả nước nhưng với sự nỗ lực của toàn tỉnh, toàn ngành du lịch đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch. Đến nay, Du lịch Lai Châu đã có bước phát triển mới, góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân… Theo thống kê, năm 2004, toàn tỉnh chỉ đón 45.126 lượt khách (khách quốc tế là 1.980 lượt), tổng doanh thu từ du lịch đạt 27,72 tỷ đồng thì đến năm 2019, tỉnh đón 360.000 lượt khách (khách quốc tế là 32.700 lượt), doanh thu từ du lịch đạt 544 tỷ đồng.

     Cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch được đầu tư xây dựng, đáp ứng được nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Nếu như năm 2004, toàn tỉnh chỉ có 56 cơ sở lưu trú với tổng số 230 phòng, công suất sử dụng phòng đạt 30% thì đến nay toàn tỉnh đã có trên 128 cơ sở lưu trú (trong đó có 28 khách khách sạn với 984 phòng) công suất sử dụng phòng đạt 63% và 136 nhà hàng đạt tiêu chuẩn. Từ chỗ là địa phương không có một đơn vị kinh doanh lữ hành nào (trước năm 2013) thì đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 04 đơn vị lữ hành đang hoạt động. Nguồn nhân lực du lịch ngày càng gia tăng về số lượng, chuẩn hóa về chất lượng, từng bước đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của ngành trong giai đoạn hiện nay. Năm 2004 số lao động trong ngành du lịch chỉ có 315 người, đến nay trên toàn tỉnh có 5.750 người (trong đó có 4.290 lao động trực tiếp).

     Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về Du lịch có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách “mở”, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch như:Đề án phát triển du lịch Lai Châu; Đề án xây dựng Nông thôn mới gắn với du lịch Nông thôn tại một số bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu;Chương trình hành động số 16-CTr/TU việc thực hiện Nghị Quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị;điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lai Châu giai đoạn 2015 – 2020 tầm nhìn đến năm 2030…

     Cơ sở hạ tầng giao thông và vật chất kỹ thuật du lịch đã được quan tâm, đầu tư nâng cấp. Lai Châu đã cải tạo, nâng cấp tuyến đường thị trấn Tam Đường đi Sì Thâu Chải, hạ tầng khu du lịch cao nguyên Sìn Hồ, cải tạo mặt bằng bản văn hóa Mường So, đường Vàng Pheo – Nà Củng, đường đến khu sinh thái và quần thể hang động Pusamcap; xây dựng 06 nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; xây dựng các điểm ngắm cảnh tại: bản Sì Thâu Chải, bản Lao Chải, bản Sin Suối Hồ, Gia Khâu và Tam Đường Tea…

     Cùng với đó, công tác liên kết phát triển du lịch được mở rộng.Tỉnh triển khai có hiệu quả chương trình liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và khai thác thành công tuyến du lịch Vòng cung Tây Bắc; liên kết với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu hình thành tuyến du lịch đường thủy liên hồ trên sông Đà; liên kết với tỉnh Lào Cai phát triển tuyến du lịch Sàng Ma Sáo - Bát Xát - Lào Cai - Sin Suối Hồ-  Phong Thổ - Lai Châu; liên kết với các trung tâm du lịch lớn như: Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... Bên cạnh đó, tỉnh còn thu hút các đơn vị lữ hành lớn như: Saigontourist, Hanoitourist, Vietravel, Sapa GreenTravel, Du lịch Sapa Xanh, Đại Việt... nhằm đưa khách du lịch đến Lai Châu.

     Hình ảnh du lịch Lai Châu ngày càng được quảng bá rộng rãi tới du khách trong nước và quốc tế, thông qua hoạt độngquảng bá, xúc tiến, gắn kết các cơ quan thông tin đại chúng của địa phương và Trung ương; triển khai tin nhắn quảng bá du lịch qua Tổng đài Vietel và Vinaphone; đặt các bốt thông tin du lịch; phát hành các loại bản đồ du lịch, cẩm nang du lịch; tờ rơi bằng song ngữ Việt - Anh...; tham gia giới thiệu điểm đến Lai Châu tại các hội chợ du lịch quốc tế thường niên: VITM Hà Nội, ITE thành phố Hồ Chí Minh...

Du khách nước ngoài ở Mường So, Phong Thổ

Ảnh: Nguyễn Huế

      ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

     Với mong muốn sớm đưa “Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn tại khu vực Tây Bắc”, ngành Du lịch Lai Châu đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ của tỉnh, tạo tiền đề đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung với cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ. Phấn đấu đến năm 2025, đón trên 4 triệu lượt khách. Tập trung nguồn lực thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh và mang đậm bản sắc riêng của Lai Châu.Tiếp tục phát triển các loại hình du lịch thế mạnh như: du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc.

     Với thành tựu đạt được và những định hướng trong thời gian tới, chắc chắn tương lai “Lai Châu sẽ là điểm đến mới hấp dẫn tại khu vực Tây Bắc”, góp phần vào sự phát triển chung của ngành Du lịch Việt Nam./.

Đến Lai Châu, du khách sẽ được tham gia vào các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc...

...chơi các trò chơi dân gian truyền thống như: tó má lẹ, ném còn, đẩy gậy...

...cùng ngất ngây trong những vòng xòe.

Thăm dò ý kiến
làm sao để có một bức ảnh đẹp
Thống kê truy cập
Hôm nay : 29
Hôm qua : 303