Với người Si La, việc sinh nở, đặc biệt là sinh con đầu lòng luôn là niềm mong mỏi đối với các cặp vợ chồng và cả gia đình, dòng họ. Vì vậy, khi biết người phụ nữ có thai, nhất là có thai lần đầu, là lúc mọi người thực sự vui mừng. Để mong cho “mẹ tròn, con vuông”, người Si La có những tập quán vừa mang đậm bản sắc riêng, vừa chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa của một tộc người đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử.

Kiêng kỵ khi mang thai

Theo tập quán của người Si La, phụ nữ mang thai phải kiêng nhiều thứ như: không đến đám ma vì sợ sinh đẻ không may mắn; không nhảy qua hào vì sợ sảy thai; không được ăn thịt khỉ vì sợ con đẻ ra sẽ phá phách như khỉ; không được ăn con vật chết (như vật bị mắc bẫy chết rồi người nhà mới mang về) vì sợ con đẻ ra sẽ mọc mụn ở đầu; không được ăn những con dúi, con nhím vì chúng thở khò khè nên sợ con đẻ ra sẽ khó thở… Ngoài ra, vợ chồng sản phụ không được đập rắn vì sợ con đẻ ra sẽ thè lưỡi như con rắn và cũng không được giết bất kỳ con vật gì trong thời kỳ mang thai vì sợ rằng đó là giết con mình…

Tập quán khi sinh đẻ

Theo tập quán của người Si La, ngoại trừ những trường hợp đẻ rơi trên nương, trên đường rừng, sản phụ người Si La phải đẻ ở nhà (nhà chồng), nhưng việc đỡ đẻ lại do mẹ đẻ thực hiện. Gần đến ngày sinh, người chồng chuẩn bị sẵn cật nứa để cắt nhau thai, ống bương để đựng nhau thai, vải mềm làm tã… Khi sản phụ đau bụng trở dạ, mọi người nhà chồng lập tức ra khỏi nhà, đồng thời cử người sang báo với mẹ đẻ của sản phụ đến trợ giúp đỡ đẻ. Trong khi đó, sản phụ tự tháo toàn bộ trang sức trên người vì đồng bào quan niệm sản phụ đeo trang sức trên người sẽ khó đẻ.

Sản phụ người Si La đẻ quỳ bên bếp đun nấu của gia đình (ché ứ à pía nê), hai tay bám vào miệng cối giã gạo (thồ sí) hoặc chống xuống nền đất mà rặn. Người Si La cho rằng sản phụ khó đẻ thì chỉ cần dịch chỗ là sẽ dễ đẻ hơn. Trường hợp nặng hơn, người ta lấy quần của chồng trùm lên đầu sản phụ; đồng thời người ta ngắt lấy một ít cỏ gianh (ì tồ) ở đầu mái hiên nhà dài cỡ bằng một đốt ngón tay đốt cho cháy thành tro hoặc vò vụn, hòa vào chén nước cho sản phụ uống 3 ngụm. Khi lấy đầu gianh chữa mẹo, người lấy không được nói trước với ai, kể cả với sản phụ, nếu không sẽ không có hiệu nghiệm. Những “ca” đẻ xong còn sót nhau cũng chữa bằng cách này.

Thai nhi người Si La được cắt rốn bằng cật nứa (về í), đầu rốn được buộc thắt bằng chỉ trắng, nhau thai (à lớ) được bỏ vào ống bương. Để bảo vệ hồn trẻ, người Si La đặt nhau thai cho cuống hướng lên miệng ống vì họ quan niệm nếu đầu cuống nhau quay xuống đáy ống thì trẻ hay quấy khóc. Ống bương đựng nhau thai được đổ đầy tro bếp và trấu thóc để hút khô nước, tránh cho nhau thai nhanh thối. Miệng ống được buộc kín bằng lá dong. Nhau trẻ trai buộc bằng 9 lá, nhau trẻ gái buộc 7 lá, tương ứng với số hồn theo giới tính trong quan niệm tộc người. Cũng theo quan niệm của họ, lá đậy miệng ống nhau phải đặt lưng lá lên trên, mặt lá úp vào lòng ống mới có tác dụng bảo vệ hồn trẻ. Các lá đặt đảo nhau theo hình chữ thập (cứ đặt một lá dọc lại đặt một lá ngang). Người nhà dùng lạt giang buộc chặt miệng ống. Quanh thân ống, người Si La ốp các cành ngọn dẻ dài tương đương chiều dài của ống theo hướng đầu ngọn dẻ quay lên trên miệng ống, đầu gốc quay xuống đáy ống và buộc cố định vào ống bằng lạt giang. Số lượng ngọn cành dẻ và lạt buộc tương ứng với số lượng lá dong. Các đầu nút lạt quay về cùng một phía và theo một đường thẳng. Theo giải thích của người Si La, số lượng lá dong, lạt buộc và ngọn dẻ phải tương ứng với số hồn của trẻ theo giới tính thì ngần ấy hồn mới về đủ, trẻ mới lớn, khỏe, đẹp, thông minh.

Tục ở cữ và ăn uống của sản phụ sau sinh

Sản phụ người Si La ở cữ ngay tại nơi đẻ. Mẹ đẻ của sản phụ dọn sạch bếp nấu và đun nước ấm tắm cho trẻ. Lúc này, mọi người nhà chồng mới vào nhà. Chồng sản phụ lấy đệm, gối, chăn trải cho vợ nằm bên bếp nấu. Thời gian ở cữ của sản phụ người Si La là 1 tuần Si La (13 ngày). Trong “tuần” cữ, bếp lửa phải luôn luôn cháy vừa để giữ ấm cho sản phụ và trẻ sơ sinh. Trong thời gian này, mẹ đẻ của sản phụ ở lại để cùng với mẹ chồng chăm sóc hai mẹ con sản phụ (đốt lửa, nấu nướng, tắm cho cháu, giặt tã của trẻ và váy áo của sản phụ…).

Ba ngày đầu sau sinh, sản phụ vẫn ăn cơm tẻ hoặc nếp nhưng thức ăn phải là thịt sóc khô lam với rau húng chó (phà co) trong ống nứa để vừa lợi sữa, vừa tránh lạnh bụng. Khi ăn thịt sóc, sản phụ không ăn xương vì sợ xương sẽ vào sữa, trẻ sẽ bị hóc khi bú. Ngoài rau húng chó, sản phụ chỉ được ăn rau rớn rừng – loại rau rớn chỉ mọc trong rừng già, lá giống lá dương xỉ và bóng, gọi là tá lẹ, không phải loại rau rớn thường mọc chỗ quang, quanh bờ ruộng (tá tạ). Từ ngày thứ tư trở đi, sản phụ mới được ăn thịt nạc lợn.

Nghi lễ và phong tục đặt tên cho trẻ

Trẻ em người Si La được đặt tên ngay sau khi sinh. Lễ đặt tên cho trẻ (dề mí mi ệ) của người Si La bao giờ cũng được thực hiện vào buổi sáng. Do đó, nếu trẻ chào đời sớm thì gia đình sẽ tiến hành đặt tên cho trẻ ngay sáng hôm đó. Nếu trẻ ra đời muộn thì sáng hôm sau gia đình mới tiến hành đặt tên cho trẻ.

Một phụ nữ đứng tuổi hiền lành, phúc hậu trong bản được gia đình mời đến đặt tên cho trẻ để lấy khước về sau. Sản phụ cầm một cái địu (pu pá), 1 quả trứng gà (a ụ) bế con ngồi trên cái chổi (gia pia) đặt sát ngưỡng cửa chính phía trong nhà, quay lưng ra cửa. Bà lão đứng ngoài hiên hướng mặt vào hai mẹ con sản phụ. Hai tay bà bưng ống đựng nhau thai, miệng nói: “… (tên của trẻ) con (trai/gái) của ông … (tên của cha đứa trẻ). Hôm nay bà đặt tên cho con. Bà đặt tên cho con là …, nhanh lớn, nhanh to, không để ốm đau gì, khỏe mạnh con nhé!...

Nói xong, bà lão khấn buộc ống đựng nhau thai ở cọc hiên nhà, chỗ khô ráo sao cho đầu ống quay lên trên, các ngọn cành dẻ được buộc túm vào nhau quay cùng về phía các đầu nút lạt và hướng ra khoảnh sân trước nhà. Vừa buộc, bà lão vừa lầm rầm đọc lại những câu đặt tên ban nãy. Kết thúc nghi lễ, gia đình luộc quả trứng gà  sản phụ cầm khi hành lễ bóc mời bà lão ăn. Sau đó, gia đình mổ gà, bày mâm mời bà lão ở lại ăn cơm mừng cho gia đình có thêm một thành viên mới.

Người Si La thường đặt tên đệm cho con trai là “Chà”; nhưng tên đệm yêu thường là “A”. Những người phụ nữ thường gọi yêu trẻ bằng tên đệm là “Á”. Tên đệm của con gái thường là “Cố”. Tên chính thường đặt theo ngày con giáp ứng với ngày sinh hoặc đặt theo sự kiện nổi bật diễn ra vào ngày trẻ được sinh ra. Chẳng hạn như Chà Cọ (“Cọ” là ruộng, do bố đi làm ruộng) hoặc Chà Cố (“Cố” là từ nói tắt của “Chá Cố” – nương, do bố đi làm nương.v.v…).

Tập quán chăm sóc trẻ sơ sinh

Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ sơ sinh cũng đư­ợc ngư­ời Si La coi trọng. Ngay từ khi còn chưa chào đời, thai nhi đã đ­ược bảo vệ bằng những kiêng khem của thai phụ. Nhiều điều kiêng có tác dụng thực tế đối với việc bảo vệ sức khỏe của sản phụ thai nhi như­ kiêng ăn tanh, kiêng nằm sấp, kiêng leo trèo, kiêng lội n­ước sâu… Sau khi sinh, trẻ được nuôi lớn chủ yếu bằng sữa mẹ. Thời gian đầu, trẻ được cho bú tới hơn 10 lần/ngày. Khi trẻ biết ăn cơm, số lần cho bú giảm đi. Người Si La không có tục cai s��a cho trẻ nên bên cạnh việc ăn cơm, trẻ em ngư­ời Si La còn bú đến khi mẹ hết sữa hoặc sinh em mới thôi. Nhiều trẻ nhỏ bú mẹ tới tận 3 - 4 tuổi.

         Việc tắm rửa cho trẻ thường do bà (nội, ngoại) hoặc những người có kinh nghiệm đảm nhận. Nếu sinh vào mùa đông, trẻ được tắm ở nhà bằng nước ấm. Nếu sinh vào mùa hè, chỉ 1 tháng sau sinh, trẻ đã được gia đình tắm cho ở suối. Người Si La quan niệm cần phải sớm rèn luyện cho trẻ làm quen với môi trường tự nhiên thì trẻ mới khỏe.

 

Trẻ em người Si La khi mới lọt lòng chưa có trang phục riêng. Trẻ được quấn trong những chiếc tã cắt ra từ quần áo cũ của bố mẹ. Vải cũ mềm mỏng không làm hại da trẻ. Trong quan niệm dân gian, cũng như nhiều tộc người khác, người Si La cho rằng trẻ sơ sinh mặc quần áo mới sẽ khó nuôi. Những gia đình khá giả thường đeo cho trẻ vòng cổ hoặc vòng tay bằng bạc để kỵ tà. Khi trẻ lớn khoảng 8 – 10 tuổi mới có y phục riêng. Trang phục của trẻ em hoàn toàn giống trang phục của người lớn cùng giới về kiểu dáng nhưng đơn giản hơn về màu sắc và hoa văn.

Trong các bữa ăn, mâm cơm dù đạm bạc đến đâu thì phần ngon nhất cũng được gia đình dành cho trẻ. Trẻ em Si La thường ít bị cha mẹ quát mắng nhưng việc giáo dục sinh tồn được chú trọng. Các bé gái thường theo phụ mẹ làm nương và được mẹ bày cho cách hái rau, lượm nhặt cua, ốc trên đường về… Các bé trai thường theo cha đi rừng và được cha chỉ cho cách nhận diện các loại cây rừng và bày cho cách bắn nỏ, đặt bẫy bắt thú… Vì thế, đến tuổi thành niên, trai gái người Si La đều tinh thông mọi việc được quy định bởi giới tính.

Người Si La không có nghi thức đánh dấu sự trưởng thành của trẻ theo hình thức của một lễ thành đinh. Cha mẹ chỉ nhận biết sự khôn lớn của con cái thông qua những biểu hiện về thể chất và tâm sinh lý. Mốc đánh dấu sự trưởng thành của một thành viên công xã (từ một đứa trẻ trở thành người lớn) là hôn nhân để hình thành một gia đình mới./.

 

Thăm dò ý kiến
làm sao để có một bức ảnh đẹp
Thống kê truy cập
Hôm nay : 164
Hôm qua : 302