Trong 03 ngày, từ ngày 24 – 26/12/2021, Ngày hội Văn hóa Dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III diễn ra tại thành phố Lai Châu là sự kiện văn hóa lớn, nhận được nhiều sự quan tâm của người dân và du khách. Ngày hội là dịp hội tụ các nghệ nhân, diễn viên quần chúng dân tộc Mông của 11 tỉnh tham gia gồm: Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Điện Biên, Thanh Hóa và Đăk Lăk,  Sơn La.  

     Lần đầu tiên được đăng cai tổ chức, đoàn chủ nhà Lai Châu đã chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung tham gia dự thi tại ngày hội. Trong đó, các nội dung thi trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ được Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh thành lập đoàn dự thi và dàn dựng các tiết mục trình diễn mang đậm bản sắc văn hóa các ngành Mông ở Lai Châu.

     Đoàn dự thi của Lai Châu gồm có 48 nghệ nhân, diễn viên quần chúng dân tộc Mông đến từ các huyện, thành phố trong tỉnh. Đây là những hạt nhân văn nghệ tiêu biểu, đã có nhiều đóng góp trong phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương như đoàn VNQC xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, câu lạc bộ Khèn Mông  xã Tả Lèng, huyện Tam Đường…

     Chương trình ca múa nhạc tham gia Liên hoan văn nghệ quần chúng của đoàn Lai Châu có chủ đề “Thanh âm non ngàn”, gồm có 5 tiết mục: Hòa tấu nhạc cụ “Nhịp điệu luân hồi”; Hát ru con – Dân ca dân tộc Mông; Múa “Gọi bình minh”; Hát ống đối đáp giao duyên và tiết mục múa khèn. Chương trình đã hội tụ nhiều hình thức trình diễn văn nghệ đặc trưng của người Mông như: Hát ru, hát ống, hát giao duyên, hát dân ca, múa khèn, thể hiện đời sống văn hóa tinh thần mộc mạc, giản dị nhưng cũng vô cùng phong phú và đặc sắc của cộng đồng người Mông tại tỉnh Lai Châu.

 

Tiết mục hòa tấu nhạc cụ “Nhịp điệu luân hồi” do nghệ nhân, diễn viên toàn đoàn thể hiện

Tiết mục múa “Gọi bình minh” do đội múa xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ và xã Sùng Phài biểu diễn.

 

Tiết mục múa khèn do câu lạc bộ Khèn Mông xã Tả Lèng, huyện Tam Đường biểu diễn

 

     Dân tộc Mông là dân tộc có dân số đông thứ hai tại tỉnh Lai Châu và có đủ 5 ngành: Mông trắng, Mông đen, Mông hoa, Mông đỏ và Mông súa, được phân bố ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh. Tuy phân biệt thành các ngành khác nhau nhưng cơ bản các ngành Mông không có khác biệt nhiều về văn hóa, phong tục tập quán. Nhận diện ban đầu về sự khác nhau giữa các ngành Mông một phần được thể hiện qua trang phục của nữ giới.

Trong phần thi trình diễn trang phục dân tộc Mông, đoàn Lai Châu xây dựng phần trình diễn với chủ đề “Sắc màu thổ cẩm”, giới thiệu tới Ngày hội vẻ đẹp trong trang phục của ba ngành Mông chủ yếu ở Lai Châu là Mông trắng, Mông đen và Mông hoa. Màn trình diễn cũng thể hiện khái quát cách sử dụng trang phục của phụ nữ Mông theo thời gian, bối cảnh và được chia thành ba phân đoạn tương ứng với những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của người phụ nữ: trang phục khi làm lễ cưới, trang phục thường ngày khi đã làm dâu và tran phục khi đi chơi hội

 

.

Trình diễn trang phục cưới của người Mông trắng xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ.

 

Trình diễn trang phục ngày thường của người Mông đen xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu

 

Trình diễn trang phục đi chơi hội của người Mông hoa xã Tả Lèng, huyện Tam Đường.

 

     Trong phần thi trình diễn trích đoạn lễ hội dân tộc Mông, tập thể nghệ nhân, diễn viên toàn đoàn đã trình diễn một trích đoạn lễ hội Gầu tào của người Mông xã Dào San, huyện Phong Thổ.

     Gầu tào là một nghi lễ truyền thống, lâu đời và quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Mông tại tỉnh Lai Châu. Lễ hội Gầu tào được các bản người Mông tổ chức ngay sau tết Nguyên đán nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và cầu mong sức khỏe, sự may mắn cho người dân, sự đoàn kết, hòa thuận cho cả cộng đồng. Lễ hội Gầu tào diễn ra trong một ngày với nhiều nghi lễ khác nhau. Đoàn nghệ nhân, diễn viên Lai Châu đã trình diễn trích đoạn nghi thức cầu bình an và phần vui chơi của lễ hội.

 

Đoàn nghệ nhân, diễn viên Lai Châu trình diễn trích đoạn nghi thức cầu bình an của lễ hội Gầu tào

 

     Ngoài ra, đoàn Lai Châu cũng tham dự phần thi giã bánh giày. Giã bánh giày là hoạt động quen thuộc của người Mông Lai Châu vào mỗi dịp lễ tết. Bánh giày được làm từ xôi nếp dẻo với sức mạnh đôi tay của những người đàn ông và sự khéo léo của người phụ nữ Mông. Những chiếc bánh được người Mông dùng để dâng lên tổ tiên, thần linh, và còn là món quà quý để họ dành tặng cho các vị khách quý.

 

Đoàn thi Lai Châu trong phần thi giã bánh giày

 

     Kết thúc ngày hội, đoàn thi Lai Châu đạt được nhiều thành tích: 2 tiết mục văn nghệ đạt giải A trong Liên hoan văn nghệ quần chúng; Giải A phần thi trình diễn trang phục dân tộc; Giải B nội dung thi giã bánh giày và giải B cho phần thi trình diễn trích đoạn lễ hội.

     Sự thể hiện của đoàn Lai Châu trong các phần thi không chỉ góp thêm màu sắc cho Ngày hội Văn hóa Dân tộc Mông lần thứ III thành công rực rỡ, mà còn góp phần quảng bá nét đẹp của vùng đất, con người Lai Châu đến bạn bè trong và ngoài tỉnh.

Thăm dò ý kiến
làm sao để có một bức ảnh đẹp
Thống kê truy cập
Hôm nay : 61
Hôm qua : 260